Người trong xóm, có khi cả xã bên, xa cả cây số, vẫn tìm đến cái quán nhỏ ấy. Không phải vì hàng hiếm, chẳng phải vì giá rẻ bất ngờ – mà có lẽ vì một điều gì đó không thể đong đếm được.
Bà Lựu năm nay ngoài 50 tuổi, dáng người cao gầy, vai hơi gù vì năm tháng gánh gồng. Mỗi lần có tiếng gọi cửa, bà lại chầm chậm bước ra, vừa đi vừa làu bàu:
– Lại mua cái gì nữa đấy? Nhanh còn làm việc khác, nhà bao việc!
Ai chưa quen sẽ tưởng bà khó tính, cáu gắt. Nhưng người trong xóm thì hiểu – cái “lèo nhèo” ấy là thứ quen thuộc, đến mức nếu một ngày bà không càu nhàu, người ta lại thấy thiếu. Phong cách ấy tưởng như lỗi thời, lại trở thành thứ khiến người dân thôn Yên mến mộ. Như một tàn lửa cuối cùng của lối bán buôn thời bao cấp, nơi thật thà và thẳng thắn từng là giá trị cốt lõi.
Có người bảo: “Bà Lựu bán rẻ, hàng hoá rõ nguồn gốc.”
Người khác lại nói: “Bà ấy thật thà, không chèo kéo, không nói ngọt… nhưng cái tâm thì rõ như ban ngày. Que kem bán cho trẻ con, bà còn nhắc, đừng ăn nhiều, viêm họng đó.”

Giới trẻ giờ quen với hàng hóa có mã. Nhưng bà Lựu vẫn như một cái cân cũ, không pin, không điện, giữ cho mọi thứ trở nên cân bằng.
Có người gọi bà là “ký ức biết thở”, bởi trong cách bà bán hàng, người ta thấy lại cả một thời tem phiếu, cả một miền ký ức của những năm tháng nghèo mà thật, cũ mà ấm.
Bà ít đi xa, nếu có, thì là đi lấy hàng về bán. Vẫn chiếc xe đạp phượng hoàng lạch cạch, từ thời còn chở gạo ra Hà Nội bán. Cái áo hoa lanh bạc màu, cái quần ống rộng giản dị. Không phấn son, không mạng xã hội, không chụp ảnh ọt. Bà là một phần "cũ kỹ" còn sót lại của cái làng này, như bờ rào dâm bụt hay tiếng gà trưa.

Thế rồi, một ngày chính sách mới được ban hành: Tất cả hộ kinh doanh cá thể phải đăng ký giấy phép, sử dụng hóa đơn điện tử, có máy tính tiền, có phần mềm kết nối với cơ quan thuế.
Biết thông tin, bà ngồi lặng bên quán, mồm lẩm bẩm:
– Máy với chả tính, hóa với chả đơn điện tử… mù tịt, ai mà biết. Có khi phải đóng cửa đi làm công nhân. Mà già rồi ai thèm nhận.
Chiếc điện thoại cũ của bà vẫn là loại bấm nút. Tin nhắn từ đầu chí cuối còn nguyên chưa đọc. Bảo bà kê khai, tạo hóa đơn, lưu trữ điện tử… như bảo cây cau học múa.
Chính sách là để minh bạch, là bước tiến của thời đại số. Nhưng bên ngoài cái tiến bộ ấy, vẫn còn vô số người giống như bà Lựu, sống giữa kẽ nẻ của nút thắt thời gian, thật thà đến cứng cỏi, lặng lẽ giữ cho làng quê một nếp sống cũ, gắn bó với người dân bằng chính cái tình và sự tử tế. Ai sẽ giúp họ?
Liệu họ có thể thích nghi? Hay rồi cũng như bao thứ khác – lặng lẽ khép lại, mang theo cả một lớp văn hóa dân gian chưa từng được gọi tên?
Nếu một ngày quán tạp hóa ấy đóng cửa, làng Nọ - thôn Yên - sẽ mất đi một người bán hàng. Nhưng điều lớn hơn, là họ sẽ mất đi một phần văn hoá hồn quê, một phần ký ức thật thà, chân chất và giàu lòng tin, những thứ mà hóa đơn điện tử không thể nào ghi lại được.