Người Việt vẫn lưu truyền câu: “Đi chùa quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”. Ngày này không chỉ mang ý nghĩa khởi đầu một năm mới an lành, mà còn là dịp con người hướng về cõi thiêng, dâng lễ tạ ơn Trời, Phật, Thánh Thần, cầu mong bình an, phúc lộc. Đối với tín ngưỡng thờ Mẫu - một tín ngưỡng dân gian mang đậm bản sắc Việt - thì đây cũng là dịp quan trọng để các thanh đồng mở phủ, trình đồng, tạ đàn, hoặc tổ chức nghi lễ hầu đồng, kết nối giữa con người và thế giới tâm linh.

Duyên hội ngộ tại Đông Cuông Vọng Từ
Tôi có cơ duyên dự lễ hầu đồng nhân tiết Thượng Nguyên tại Đông Cuông Vọng Từ (Cầu Giấy - Hà Nội). Đây là nơi mà TS, Nhà báo, Nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Quân - Phó Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Đạo Mẫu Việt Nam - làm thủ nhang.
Bản điện này thờ Chúa Bà Đông Cuông, pho tượng cổ được hữu duyên thỉnh từ đền Ông Bảy (Lào Cai). Không phải ai cũng đủ phước duyên để cung nghinh Thánh tượng về thờ tự. Theo quan niệm dân gian, Phật Thánh có mắt, chứng thấu lòng người và Chúa Bà chỉ ngự ở nơi xứng đáng. Sự hiện diện của Chúa Bà tại đây càng làm cho bản điện thêm phần linh thiêng.


Trước buổi hầu, nghi lễ cung thỉnh Hội đồng Phật Thánh được thực hiện trang nghiêm. Đây là một nghi thức quan trọng, thể hiện lòng thành kính, xin phép các ngài chứng giám tâm thành lễ mọn và cho phép thanh đồng được loan giá. Thanh đồng Nguyễn Văn Quân luôn đặc biệt coi trọng điều này, bởi với anh, hầu đồng không chỉ là một nghi thức mà còn là một hành trình tâm linh, thể hiện sự thành kính và trách nhiệm của người hành đạo.


Nhắc đến anh, không thể không nói về phu nhân - TS, NNDG Nguyễn Thị Hương Lan. Người ta thường bảo: “Thế gian được vợ hỏng chồng”, nhưng gia đình này là ngoại lệ. Hai vợ chồng đều tâm đức vẹn toàn, đồng hành cùng nhau trong hành trình bảo tồn và hoằng dương tín ngưỡng.

Những ngày này, Đông Cuông Vọng Từ đón rất đông khách, trước là họ hàng thân tộc, thanh đồng, đạo quan; sau là bạn bè thân tín, con nhang đệ tử. Việc này không chỉ thể hiện sự hiếu kính mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc: khi gia chủ thành tâm, phúc lành không chỉ đến với riêng họ mà còn lan tỏa đến cả những người thân yêu.

Vấn hầu Thượng Nguyên - con người và cõi thiêng giao hòa
Trong buổi hầu đồng, ngoài thanh đồng chính, còn có các pháp sư, đồng cựu - những người giàu kinh nghiệm, kiến thức trong tín ngưỡng, giữ vai trò “chứng” - chứng tâm, chứng lòng, đồng thời đem phước đức của mình gia trì cho buổi hầu Thánh thêm phần uy linh, tố hảo. Sự hiện diện của họ cũng giúp một số thanh đồng trẻ vững tin hơn, bởi nếu có gì chưa đúng, sẽ có người chỉ bảo.
Thanh đồng Nguyễn Văn Quân nổi tiếng chỉn chu, cẩn trọng, do đó rất kén khách, không phải ai anh cũng mời. Những vấn hầu của anh thường có danh ca Hoài Thanh hoặc nghệ sĩ trẻ Huy Bủn dâng văn. Cặp hầu dâng - quỳnh quế là Hải Anh và Tùng - những người hiểu rõ tính cách thanh đồng, nên phối hợp rất ăn ý. Nhưng đôi khi vẫn không tránh khỏi việc bị “ghế Thánh soi lỗi” - thử thách dành cho cánh hầu dâng.

Khách dự hầu đều trang nghiêm, thành kính, thể hiện sự trân trọng Tiên Thánh và thanh đồng. Lộc hầu đồng là những món đắt tiền, đầy đặn, trân quý. Điều này thể hiện tấm lòng nhất tâm của thanh đồng với Thánh Thần và với cả những người hữu duyên đến dự.

Như chia sẻ ở trên, vốn nổi danh là người cẩn trọng, luôn đề cao chữ “tâm” trong mọi việc liên quan đến Phật Thánh. Những người trợ duyên, chấp tác bên anh không chỉ am hiểu tín ngưỡng mà còn là những người có đạo hạnh, nhân cách vững vàng. Chính vì vậy, việc chọn lựa đệ tử đối với anh không chỉ đơn thuần là truyền dạy tín ngưỡng, mà còn là sự gửi gắm niềm tin vào những người thực sự xứng đáng.

Thượng Nguyên năm nay, tôi thấy sắc diện của anh rạng ngời hơn, hoan hỷ, nhất là khi phụng hầu các giá Chầu và Cô. Nhìn thần thái ấy, tôi nghĩ có lẽ hội đồng Tiên Thánh đã rất mừng vui, nên "ghế" ngài mới được đến vậy.
Những lời phán truyền của "ghế" ngài trong buổi hầu cũng chính là những lời chúc phúc, những mong cầu tốt đẹp nhất cho khách dự lễ: may mắn, sức khỏe, công danh, tài lộc,… Và có lẽ, điều khiến thanh đồng Nguyễn Văn Quân vui nhất chính là thấy khách mời đến dự với tâm thành kính và ra về với tinh thần hoan hỷ, khệ nệ lộc đầy tay. Bởi người hành đạo chân chính, suy cho cùng, không mong cầu gì khác ngoài việc mang lại phúc lành cho bách gia trăm họ.

Phật Thánh thử lòng trần
Giữa chừng buổi hầu, bỗng nhiên mất điện. Không gian vốn đã linh thiêng, nay lại càng thêm huyền ảo trong ánh sáng bập bùng của ánh nến đỏ. Tiếng trống, tiếng phách ngưng lại trong giây lát, rồi cung văn cất giọng hát chay mộc mạc, vang vọng khắp Đông Cuông Vọng Từ.

Sự cố bất ngờ tưởng chừng làm gián đoạn nghi lễ, nhưng không, nó lại mang đến một cảm giác khác lạ, như đưa khách tham dự trở về không gian tâm linh của những ngày xưa cũ - khi ánh sáng điện chưa chen vào chốn đền, điện, miếu, phủ, khi lời hát văn, tiếng đàn nguyệt vang lên trong những gian điện chỉ sáng bởi ánh đèn, nến lung linh. Cả bản điện chìm trong một sắc thái huyền bí, tựa như màn đêm đang che chở cho một nghi lễ cổ truyền, nơi chỉ còn lòng trần và cõi thiêng giao hoà.

Dưới ánh nến mập mờ huyền ảo, thanh đồng vẫn nghiêm trang, uy linh trong từng giá hầu. Người dự lễ không ai tỏ vẻ sốt ruột, mà ngược lại, họ lặng yên, thành kính, như đang chứng kiến một khoảnh khắc hiếm có trong tín ngưỡng thờ Mẫu.

Gần hai tiếng đồng hồ sau, ánh sáng đột ngột bừng lên, điện trở lại. Mọi người như vừa bước ra khỏi cõi mộng. Tiếng trống, tiếng đàn lại nổi lên rộn rã, hòa quyện cùng tiếng hát văn, như một sự tiếp nối đầy viên mãn. Dường như chính Thánh Thần cũng muốn thử lòng người, để rồi khi ánh sáng trở lại, ai nấy đều càng thêm trân quý từng giây phút linh thiêng ấy.


Thượng Nguyên - hành trình của tâm thức
Dự buổi hầu đồng đầu xuân, nhân tiết Thượng Nguyên của thanh đồng Nguyễn Văn Quân, tôi càng hiểu hơn vì sao ngày này lại được xem trọng đến vậy. Nó không chỉ là một nghi lễ cầu an, mà còn là một hành trình tâm linh - nơi con người hướng về cõi thiêng, nơi những giá trị tín ngưỡng được tiếp nối và gìn giữ.


Từ Đông Cuông Vọng Từ, trong tiết Thượng Nguyên, tôi thấy lòng mình lắng lại. Ánh sáng của đèn nến, hương trầm quện trong không gian linh thiêng, tiếng hát văn réo rắt, từng lời phán truyền vọng ra giữa không gian… Tất cả tạo nên một thứ cảm giác rất lạ, rất gần gũi mà cũng rất huyền nhiệm.

Người ta nói, tín ngưỡng là một phần của văn hóa. Nhưng với tôi, trong những khoảnh khắc như thế này, tín ngưỡng còn là một phần của tâm thức. Một mạch nguồn thiêng liêng, chảy mãi từ ngàn xưa, thấm sâu trong từng hơi thở của người Việt.