
Đó là vào một ngày đầu xuân. Đường lên Yên Tử nườm nượp những người. Đến quãng giữa đường lên dốc Tùng, đoàn người bỗng ùn lại. Hoá ra có một chú thanh niên người địa phương đang rao bán một con rắn. Chú bảo rằng con rắn này rất đặc biệt, đã lớn, lại có một cái mào đỏ chót trên đầu. Đó là do chú ta nói, chứ kỳ thực không ai nhìn thấy con rắn dài ngắn ra sao, bởi vì nó bị nhốt trong một cái bao dứa trắng.
Khi những người tò mò bỏ đi dần, đường thoáng ra, thì có một tốp chừng chục người đi tới. Dẫn đầu là một người đàn ông trung niên, dáng tầm thước, da trắng hồng, mặt sáng như gương. Anh tên là Thuận, từ thành phố Hồ Chí Minh ra. Anh bảo đoàn người dừng lại, đứng dẹp vào bên vệ cỏ. Anh cất giọng sang sảng hỏi:
- Chú em có thể cho xem con rắn không?
Chú thanh niên lắc đầu:
- Thưa không. Con rắn này dữ lắm, mở ra, cháu e nó làm các bác hãi!
Thuận nhìn kỹ cái bao dứa bằng đôi mắt sáng. Có lẽ con rắn đang khoanh tròn trong bao, cho nên cái bao im lìm. Người ta hay nói mua mèo trong bị chứ có ai nói mua rắn trong bao bao giờ. Thế mà giờ đây lại có người bán rắn trong bao thật. Thuận ngắm nghía cái bao, nó vẫn im lìm. Nhưng anh bỗng cảm thấy có một luồng sinh khí từ trong bao toát ra, ấm áp và thơm lừng. Anh bảo chú thanh niên:
- Được, ta mua, chú tính bao nhiêu?
- Bác cho con một triệu ba!
- Sao lại lẻ loi triệu ba? Thôi, ta đưa tròn một triệu.
Chú thanh niên gật đầu, trao bao dứa cho Thuận. Anh trả tiền rồi nhận bao dứa. Cái bao động đậy. Thuận nhẹ nhàng xách cái bao ra bãi cỏ cách xa đường, đặt xuống và từ từ mở dây buộc. Mọi người căng mắt nhìn vào cái bao. Tất cả bỗng ồ lên một tiếng: có một cái mào đỏ chót động đậy nơi miệng bao. Rồi cả cái đầu con rắn lộ ra với cái mào lớn, dầy và đỏ như bông hoa mào gà. Con rắn trườn ra khỏi bao trước con mắt kinh ngạc của mọi người. Chao ơi, nó lớn và dài làm sao, với làn da loang lổ trắng đen thật dữ tợn. Thế nhưng, con rắn không tỏ ra hung dữ như người ta tưởng. Trườn đi một đoạn rồi, nó quay đầu lại. Có người nhát gan định co giò chạy, thì đứng sững lại bởi thấy con rắn không trườn tới nữa, mà vươn mình lên cao. Cái đầu nó dựng thẳng, cái mào đỏ lắc lư. Nó hướng về phía anh Thuận, dập đầu ba lần, rồi nhẹ nhàng quay mình, lướt vào rừng xanh.
Nhìn theo con rắn, Thuận mỉm cười, nụ cười nhân ái. Anh thuộc loại người nặng về tình cảm, hay mơ mộng, mặc dầu anh là tiến sĩ về công nghệ viễn thông. Với anh, Yên Tử như một tình yêu. Khi chưa đến nơi, anh đọc những áng văn thơ về Yên Tử và luôn luôn bị rung động bởi cái cảnh, cái tình nơi đây. Để rồi khi đến, anh thấy lòng rạo rực như gặp được người yêu. Tuy ở xa, anh vẫn thường lên Yên Tử để được sống trong tình yêu ấy. Nhưng lần này lại thật đặc biệt. Yên Tử như đã trở thành một phần của tâm linh anh. Đêm ấy, phải khuya lắm anh mới chợp mắt. Vào giữa canh hai, Thuận bỗng bừng thức bởi một tiếng chuông lảnh lót. Một vừng sáng hồng lơ lửng trước mắt anh. Thoáng trong vừng sáng ấy là hình ảnh con rắn có mào đỏ. Rồi lại thoáng qua hình ảnh một vị sư có khuôn mặt đầy đặn, cặp mắt sáng như sao, mỉm cười với anh. Chưa kịp định thần, anh bỗng nghe tiếng vị sư bảo:
- Con hãy đem giấy bút ra!
Như là một hành động vô thức, anh đến bên bàn, mở giấy bút và bắt đầu viết. Không rõ anh nhìn bằng loại ánh sáng gì? Chỉ biết rằng những vần thơ về Yên Tử bỗng vang lên trong tâm khảm anh, và anh lặng lẽ chép lại. Những bài thơ viết theo thể Đường luật mô tả từng cảnh đẹp của Yên Tử với những nét phác hoạ thần kỳ, sống động, lại ẩn chứa những triết lý sâu xa về nhân luân. Chỉ một đêm ấy, Thuận đã hoàn tất một tập thơ với tên Thi vân Yên Tử mà sau này được xuất bản như một hiện tượng văn học lạ kỳ!
Lại một mùa xuân nữa đến với Yên Tử. Lần này, tôi và mấy anh em cùng cơ quan cũng tham gia chuyến hành hương lên Yên Tử với Thuận. Khi tới bãi đỗ xe, chuẩn bị leo dốc Tùng, tôi thấy một chàng thanh niên gầy gò nhưng nhanh nhẹn chạy tới:
- Các chú có thuê gánh đồ không? Cháu gánh cho!
Thuận reo lên một tiếng và nói với tôi:
- Chính cậu bé bán cho mình rắn thần đấy!
Tò mò, tôi kéo cậu thanh niên ra một góc, thầm thì:
- Có đúng cháu là người đã bắt được rắn thần không?
Cậu thanh niên gật đầu, nhưng sắc mặt tái đi. Cậu bảo:
- Cháu không dám nhắc tới Ngài nữa đâu!
Tôi động viên:
- Cứ mạnh dạn lên, Ngài đã được về với rừng núi rồi, cháu nào còn mang tội nợ với Ngài?
- Không, cháu vẫn sợ lắm, chính vì Ngài mà cháu bỏ nghề bắt rắn, làm nghề này đấy!
- Sao? Hoá ra cháu chuyển nghề vì Ngài? Ngài đã khuyên bảo cháu ư?
- Dạ không. Nhưng ngài răn đe cháu!
- Răn đe?
- Vâng, một lần cháu mang bao lên tận gần lưng núi tìm bắt rắn thì gặp Ngài. Từ xa, cháu đã giật bắn mình khi thấy Ngài với cái mào đỏ chót nghển cao khỏi lùm cỏ. Cháu đứng chết trân trong khi Ngài trườn tới. Cách cháu chừng sải tay, Ngài dừng lại, vươn cổ phun phì phì. Cháu hoảng quá, cố rút chân, quay lưng chạy. Vẫn nghe tiếng phì phì sau lưng. Cháu vấp một tảng đá, ngã bổ nhào. Vùng dậy, đã thấy ngài chặn trước mặt. Thế nhưng Ngài không mổ cháu. Cháu vái lấy vái để và lẩm nhẩm khấn rằng sẽ không bao giờ làm nghề sát sinh nữa, ngài liền trườn đi...
Tôi bán tín bán nghi. Lẽ nào chỉ một chút hù doạ của một con rắn mà có tác dụng giáo dục một con người nhanh đến thế. Trong khi đó quanh tôi đây, có biết bao người chẳng biết sợ là gì, gặp bao sự răn đe của pháp luật, sự khuyên bảo của người thân mà vẫn cứ lao vào làm việc xấu. Kể cả trong những người đang đi hành hương về đất Phật này, có khối kẻ miệng thì khấn vái cầu phúc cầu lộc nhưng tâm địa lại tối đen. Có lần tôi đứng sau một bà có dáng vẻ sang trọng nhưng mặt lại nhăn nhúm đến thiểu não đang sì sụp khấn vái. Bà ta lẩm nhẩm nhưng tôi vẫn nghe rõ: "Cầu Trời khấn Phật phù hộ độ trì cho nhà con được thăng quan tiến chức đợt này. Con đã lo lót cấp trên, lo lót tổ chức tiền nong, vàng bạc không thiếu gì, nhưng con cầu mong Trời Phật vật chết cái lão Hùng đang chạy đua với nhà con cho nhà con rộng đường thăng tiến..." Còn chuyện của cậu thanh niên này thì cứ như huyền thoại. Nhưng người thật việc thật lại sờ sờ trước mắt tôi. Tôi cố bứt khỏi dòng suy tư, vỗ vai chàng thanh niên:
- Cháu làm thế này có đủ sống không?
- Vất vả lắm chú ạ. Gánh đồ đạc lên núi suốt buổi, kiếm được 15 ngàn đồng, vã mồ hôi hột. Trước kia, làm nghề cũ, kiếm dăm bẩy chục ngàn một ngày không khó gì.
- Thế cháu có định trở lại nghề cũ không?
- Không, không! Không bao giờ chú ạ. Làm nghề cũ sợ lắm. Làm nghề này vất vả nhưng thảnh thơi. Ngày làm mệt, đêm ngủ tròn một giấc, không mộng mị hoảng hốt gì, thế là sướng!
Tôi nhìn thấy nụ cười mãn nguyện trên đôi môi khô của chàng trai gầy còm. Cũng lúc ấy, Thuận gọi tôi:
- Đi thôi bạn ơi, đi nhanh mà còn lên chùa Đồng!
Tôi trao túi xách cho chàng thanh niên. Mặc dù không nặng nhọc gì, nhưng tôi không muốn đeo túi lên non, bởi tôi muốn thể hiện chút tri ân với chàng thanh niên hướng thiện nọ. Làm theo tôi, anh chị em trong đoàn đều trao ba lô, túi xách cho chàng thanh niên. Thế là đủ việc làm cho chàng trong buổi sáng hôm ấy.
Cuộc đời là những cuộc đổi thay liên tục. Yên Tử giờ đây đã có cáp treo. Du khách đến Yên Tử ngày càng đông. Nhưng cũng vì có cáp treo, mà cái nghề mang vác đồ thuê giờ không thịnh nữa. Không rõ chàng thanh niên có còn kiếm sống được bằng nghề này không? Tôi cứ băn khoăn hoài, mong ai gặp được chàng thanh niên đó thì nói lại cho tôi rõ. Chàng ta đã đổi tên cũ sang tên mới như một Phật tử: Thích Thiện Tâm.