
Người “giữ lửa” Đền Rừng
Đền Rừng rộng, yên bình thanh tịnh, ẩn chứa một sinh khí lạ kỳ. Những tán cây di sản chờn vờn trong gió, nhành đa già đung đưa, hương trầm thơm dịu quyện với tiếng mõ, như gọi mời những bước chân hữu duyên.
Tại nhà Tổ, nơi khói nhang phảng phất, tôi được đón tiếp bởi nghệ nhân, thủ nhang Hoàng Xuân Mai - người gìn giữ đền với một lòng son sắt dành cho tín ngưỡng thờ Mẫu.
Giữa làn hương mỏng và ánh sáng xuyên qua những tán cây già. Trước công đồng, nghệ nhân Hoàng Xuân Mai lặng lẽ dâng lên những lời nguyện cầu, không khoa trương, không huyền hoặc, nhưng đầy uy nghiêm và giản dị. Ông không chỉ là thủ nhang một ngôi đền, mà là người giữ lửa cho một di sản tâm linh - người lặng thầm giữ cho tín ngưỡng không bị phai mờ giữa những biến thiên của thời cuộc, giữ cho cánh cửa tâm linh luôn mở với người hữu duyên, và giữ cho truyền thống luôn vững bền giữa đời sống hôm nay.

Tết Đoan Ngọ trong văn hóa dân gian: Trừ tà, thanh lọc, cầu mùa
Tết Đoan Ngọ - hay còn gọi là “Tết diệt sâu bọ” - là một trong những lễ tiết cổ truyền của người Việt. Diễn ra vào đúng thời điểm dương khí đạt đỉnh (ngọ là giờ giữa trưa, ngũ là ngày thứ năm), lễ này mang đậm tri thức dân gian về y học, mùa vụ và vũ trụ quan.
Từ xưa, người dân tin rằng đây là lúc tà khí dễ xâm nhập vào cơ thể, nên cần dùng rượu nếp, trái cây chua, lá thuốc để diệt trừ “sâu bọ” trong người, tức các loại bệnh tật, tà khí... Đồng thời, đây cũng là mùa hoa trái đầu vụ, là dịp để dâng cúng Phật Thánh, Thành hoàng làng hoặc tổ tiên, cầu mong mùa màng tươi tốt, thiên nhiên hài hòa, con người khỏe mạnh.

Ý nghĩa sâu sắc trong tín ngưỡng thờ Mẫu
“Tháng Năm là Tết Đoan Dương
Nhớ ngày giỗ mẹ Việt Thường Văn Lang”
Đối với những người hành đạo - đặc biệt là các thanh đồng, con nhang đệ tử - Tết Đoan Ngọ không chỉ là một ngày lễ dân gian mà là một mốc tâm linh quan trọng. Theo nghệ nhân Hoàng Xuân Mai, và số tài liệu dân gian, hệ thống tín ngưỡng dân tộc ghi nhận ngày 5/5 âm lịch là ngày tưởng niệm Mẹ Âu Cơ, người sinh ra bọc trăm trứng, là biểu tượng của cội nguồn dân tộc Việt.
Tại Đền Mẫu Âu Cơ (Hạ Hòa, Phú Thọ), lễ giỗ Mẹ Âu Cơ thường được tổ chức vào dịp này, như một lễ hội truyền thống mang ý nghĩa “uống nước nhớ nguồn” và gắn chặt với tín ngưỡng thờ Mẫu bản địa.

Với khí vượng dồi dào, mùng 5 tháng 5 được xem là thời điểm âm dương giao hòa, tâm linh dễ linh ứng, rất thích hợp để trình đồng - mở phủ, hoặc tổ chức các nghi lễ hầu bóng, hậu tạ. Khắp các đền phủ, đệ tử nô nức tìm về hành lễ, dâng hoa, dâng lễ vật và thể hiện sự tri ân sâu sắc với các đấng Thánh Mẫu.
Một điều ít được biết đến nhưng lại vô cùng cảm động trong ngày Đoan Ngọ, đó là tập tục các đệ tử tìm về người đã “ra tay khai phủ” cho mình - tức đồng thầy. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, đồng thầy không chỉ là người hành lễ mà còn là người dẫn đường tâm linh, bắc nhịp cầu cho đệ tử với cửa Thánh.

Tết Đoan Ngọ - ngày trở về của tinh thần dân tộc
Đoan Ngọ, theo góc nhìn của người hành đạo, không phải chỉ là một ngày lễ cổ xưa. Đó là ngày để con người soi vào mình, trở về với căn cốt, tìm lại mối liên kết giữa thể xác - tinh thần - tổ tiên - trời đất. Là dịp để lắng lại, trong khói nhang, hương trầm, trong tiếng văn chầu, để hiểu vì sao tín ngưỡng thờ Mẫu lại sống mãi giữa thời hiện đại đầy biến động này.
Ở nơi như Đền Rừng, giữa cỏ cây hoa lá và bóng người thành tâm, tôi cảm thấy rõ một điều: niềm tin bản địa, khi được nuôi bằng lòng thành và gìn giữ bằng lễ nghi đúng đắn, sẽ không mất đi - mà càng lùi xa khỏi phố thị, lại càng trong trẻo và bền sâu.

Trở lại với đời thường
Tôi rời Đền Rừng khi mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, ánh nắng đầu hạ như được gạn lọc qua tầng tầng tán lá, rơi xuống mặt sân những vệt sáng đan xen, vừa rực rỡ, vừa an hòa. Hương trầm vẫn còn phảng phất trong tay áo, tiếng mõ, tiếng chuông như còn ngân mãi trong lòng, gợi một dư ba linh thiêng chưa dứt.
Nơi đây - giữa hàng cây cổ thủ nguyên sơ, nghi lễ cổ truyền và tấm lòng thành kính của những người hành đạo - tôi thấy hiện lên một Việt Nam thật sâu: không ồn ã, không phô trương, mà lặng lẽ, thâm trầm, gắn bó mật thiết giữa con người với tổ tiên, với trời đất, và với nhau.
Ra đến cổng, ngoái nhìn lại một lần nữa, bóng cây nghiêng nghiêng trong nắng, khói hương mờ ảo như tấm màn ngăn giữa cõi thiêng và cõi tục. Ngõ nhỏ dẫn ra khỏi đền bỗng trở nên xa hơn, như níu chân người ở lại.
Có lẽ, cánh cửa tâm linh mà Đền Rừng mở ra hôm nay không khép lại khi ta bước đi - nó khẽ khàng dõi theo, lưu lại trong một góc sâu nào đó của tâm hồn: một ký ức, một niềm tin, một gợi nhắc dịu dàng rằng ta có cội nguồn, có căn cốt, và có nơi để trở về, mỗi khi lòng cần một khoảng lặng giữa cuộc sống bộn bề.

Giữa dòng chảy cuồn cuộn của xã hội hiện đại, Tết Đoan Ngọ vẫn âm thầm giữ cho mình một chỗ đứng riêng - như một cây cầu nối giữa văn hoá dân gian và văn hoá tâm linh, giữa đạo nghĩa và đời thường. Với những người có căn đồng số lính, đây không chỉ là ngày trừ tà, thanh lọc thân tâm, mà còn là dịp để nhớ ơn đồng thầy, người đã đưa mình từ vô thức sang tỉnh thức, từ thế tục đến cửa đạo.
Và Đền Rừng, trong ngày này, không chỉ là một ngôi đền - mà là một cội nguồn thiêng liêng, nơi những người con tìm về với lòng biết ơn sâu sắc, tìm lại ánh sáng trong tâm, và giữ gìn mạch sống của một tín ngưỡng mang hồn cốt dân tộc - tín ngưỡng thờ Mẫu.
Video nghệ nhân, thủ nhang Hoàng Xuân Mai chia sẻ về ý nghĩa ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch theo quan niệm dân gian và trong tín ngưỡng thờ Mẫu