
Một cuộc hầu thanh sạch - không vương tro tàn
Buổi lễ bắt đầu với tiếng đàn nguyệt réo rắt, trống chầu vang dội, và bóng dáng vị thanh đồng trong áo xiêm rực rỡ nhập đồng trong tiếng ca văn nhịp nhàng. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên chính là buổi lễ: không có những vàng mã quen thuộc, không thấy hình bóng của ngựa, voi, kiệu giấy, cũng không còn lượng khói đốt dày đặc, khét nồng.
Thay vào đó là những bức tranh khổ A3 - in hình các loại mã truyền thống, từ mã ngựa, mã tiền, mã hầu… tất cả đều được sắp đặt cẩn trọng, trang trọng và đầy màu sắc. Tôi bước lại gần, cầm thử một bức, giấy nhẹ, in laser rõ nét. “Đây là mã tranh” - một người phụ lễ mỉm cười giải thích: “đốt, ít khói, nhưng vẫn đầy đủ lễ nghi.”
Tôi tò mò tìm gặp người đứng sau ý tưởng này - Nghệ nhân, thanh đồng Hoàng Xuân Mai, hiện là Thủ nhang của Đền Rừng. Ông đón tiếp tôi bằng sự điềm đạm, ánh mắt sáng và giọng nói như đã cân nhắc từng chữ.
“Mã tranh là hướng đi tôi ấp ủ nhiều năm,” ông kể. “Việc đốt mã, dù là truyền thống, nhưng cũng gây tốn kém, ô nhiễm và nguy cơ cháy nổ. Tôi muốn giữ lại phần hồn - lòng thành, sự kính ngưỡng - mà loại bỏ phần xác - giấy, khung tre, khói lửa mịt mù.”

Lòng thành trong thời đại mới
Tôi hỏi ông có ngại khi bị cho là phá bỏ truyền thống? Ông lắc đầu: “Tôi không phá, tôi giữ - nhưng giữ bằng tinh thần chứ không bằng hình thức. Ngày nay, người dân có thể cúng bằng nhiều cách: công quả, làm từ thiện, sống thiện lành. Mã tranh chỉ là một bước đầu, để người hành lễ hiểu rằng đạo nằm ở tâm, không ở tro tàn.”
Ông dẫn tôi đi xem những bức mã tranh do nhóm của anh Nguyễn Gia Dũng thực hiện - toàn bộ in bằng giấy Double A chất lượng, mỏng nhẹ, hình ảnh tươi sáng. “Chúng tôi chọn giấy in văn phòng để ít độc hại và thân thiện môi trường. Không cần khung tre, không cần dán keo, lại tiết kiệm chi phí.”
Tôi chợt nhận ra: trong sự đơn giản ấy lại chất chứa một triết lý sâu sắc - khi tín ngưỡng biết tự điều chỉnh để hài hòa với cuộc sống hiện đại, nó không mất đi bản sắc, mà còn trở nên mạnh mẽ hơn.

Đền Rừng - nơi khởi đầu cho một chuyển hóa văn hoá
Theo lời nghệ nhân Xuân Mai, Đền Rừng là cơ sở thờ tự đầu tiên tại Hà Nội sử dụng mã tranh, đồng thời kêu gọi các thanh đồng, đệ tử và tín chủ cùng hưởng ứng. Ông thậm chí chuyển toàn bộ ngân sách từng dùng để mua vàng mã truyền thống - hàng chục triệu mỗi năm - sang làm từ thiện, giúp đỡ người yếu thế, học sinh khó khăn.
“Cúng lễ là để tích đức, sao không dùng chính khoản ấy để gieo phúc thực tế hơn?” - ông cười hiền. Tôi lặng im một lúc. Câu nói ấy - giản dị mà sắc sảo - như tiếng chuông gõ vào ý thức mỗi người đang đứng giữa ngã ba của truyền thống và hiện đại.
Trời - đất - rừng - nước là bốn phương che chở. Hành đạo phải thuận thiên - giữ đất - thương rừng - quý nước. Đó là tinh thần của Tứ phủ, của tín ngưỡng. Và cũng là tinh thần sống sinh thái mà mã tranh đang ngầm chuyển tải.

Tạm biệt Đền Rừng - mang theo một niềm tin mới
Buổi lễ kết thúc, người hành lễ ra về không tro tàn vương áo, không khói lửa mịt mù. Tôi cũng rời Đền Rừng, mang theo nhiều kỷ niệm. Mã tranh đã trở thành một phần biểu tượng tâm linh của Đền Rừng, là lời nhắc nhớ nhẹ nhàng: lòng thành không cần tro tàn để được chứng giám.
Đền Rừng đã dũng cảm đi đầu, mở ra một con đường mới cho tín ngưỡng thờ Mẫu trong thời đại văn minh. Nếu những nơi linh thiêng nhất còn có thể đổi mới để giữ gìn thiên nhiên, thì tại sao chúng ta - những người đang sống dưới bóng che chở của mẹ thiên nhiên - lại không dám thay đổi?