Bên quán nước chè của cụ Lý, thằng Dậu hiện lên lặng lẽ, như một vết nứt trong bức tường nhà cổ, cũ mòn, nhưng chẳng ai dám chạm tay vá lại.
Người làng bảo: “Nó là hệ quả của một thứ tình thương què quặt, một thứ giáo dục không lấy gì ngoài đòn roi để dưỡng dục.”
Tuổi thơ của Dậu không có nụ cười. Khi chúng bạn tắm sông, thả diều, nó đã dầm mình dưới ruộng cạn, mò ốc, lội bùn. 15 tuổi, nó là “người đàn ông” thu nhập chính trong gia đình, nhưng thiếu vắng tình yêu thương. Trong khi 2 đứa em nó thì được ăn học, vui chơi. Nó không bì tị, vì nó thương các em.
Ngày ngày, nó dắt bầy vịt ra đồng. Bố nó căn dặn như mệnh lệnh: “Không được mất con nào. Ngoài ra, phải mang về tôm, cua, ốc, ếch… để mẹ mày bán lấy tiền. Bằng không thì đừng về nữa.”
Và đúng là có những ngày, nó không dám về thật. Ngồi thụp bên bụi tre già, bàn chân chảy máu vì dẫm phải mảnh sành, mà ánh mắt vẫn ráo hoảnh, như thể nước mắt từ lâu đã khô cạn nơi đáy lòng.
Nó không sợ đói, không sợ đau. Nó chỉ sợ không có gì mang về, sợ cái bóng người đàn ông rắn rỏi trong nhà – người được gọi là bố – với cán chổi, gậy chăn vịt, chấn song cửa sổ, thứ gì trong tay cũng có thể hóa roi vọt. Không ai can nổi.
Có lần, giữa mùa mưa, nó bị xích vào cột nhà ngang, nơi mái dột loang lổ như thân phận nó. Không ai nói gì. Bố mẹ nó tin rằng: “Nó lười, nó trốn, nó ham chơi.” Nên mới không có gì mang về. Chẳng ai hỏi: “Hôm nay ngoài đồng nắng không? Con có mệt không?”
Tình thương ở nhà nó, nếu có, cũng là thứ thương khắt khe, lạnh như tro tàn.

Từ những ngày đó, Dậu thay đổi. Nó không còn là đứa trẻ biết khóc, biết van xin. Mỗi lần không mang được gì về, nó tự động đưa lưng ra, cúi đầu, hoặc lẳng lặng lết chân vào góc tối, nơi từng bị xích. Có lần, nó tự khóa chân mình lại, như một cách để nói: “Con đã quen rồi.”
Lũ trẻ trong xóm sợ nó. Không vì nó đánh nhau, mà vì nó lạnh. Mắt nó không ánh lên điều gì, không giận, không buồn, cũng chẳng có hy vọng. Nó chỉ sợ một người: bố.
Năm nó 18 tuổi. Vào một tối mưa bão, nước ngập trắng con đường đất vào làng, gió hun hút lùa qua cánh đồng hoang, Dậu trở về, quần áo tả tơi, chân tay đầy vết cào xước.
Nó đã giết người. Ông chủ ao cá – người phát hiện nó đang lẻn vào trộm cá – đã không bao giờ thức dậy nữa. Hung khí là một cây gậy tre. Chiếc gậy ấy, trớ trêu thay, chính là cây gậy cùng nó bao năm chăn vịt, từng quen thuộc trong tay nó, từng in hằn lên lưng nó hàng trăm trận đòn.
Nó về. Trời vẫn mưa rả rích.
Không ai hay. Không tiếng chân. Không tiếng cửa.
Nó đi thẳng xuống nhà ngang – gian nhà cũ nát, ẩm thấp, nơi trú ngụ những năm tháng tuổi thơ rách rưới. Trong ánh đèn dầu yếu ớt, nó mở vung nồi cơm nguội, xới đầy bát tô, chan canh rau đay loãng, điểm mấy quả cà pháo muối sậm màu.
Chưa bao giờ, nó ăn ngon đến thế.
Chưa bao giờ nó ăn cơm, mà dám để rơi vãi nhiều đến thế. Tay run rẩy, nó nhặt từng hạt rơi trên nền đất bỏ vào mồm. Cơm dính mép, nó kệ.
Nó không vội.

Ăn xong, nó bò về góc nhà ngang, nơi quen thuộc, nơi giam cầm tuổi thơ nó bằng xích sắt, roi vọt, và cả sự im lặng cay nghiệt. Nó hít một hơi thật sâu, thứ không khí ẩm ướt mùi đất, mùi tro bếp, mùi của những đêm mùa đông lạnh giá. Mái ngói trên đầu vẫn dột. Nó sực nhớ lời bố nó dặn lúc sáng: “Mai tạnh mưa, mày phải trèo lên đảo lại vài viên ngói cho tao.”
Rồi nó đứng dậy, rón rén lên nhà trên.
Mẹ nó đang ngồi chải tóc. Còn bố nó thì làm bạn với chai rượu và bộ điếu bát.
Nó tiến lại, cúi người ôm mẹ vào lòng. Cái ôm đầu tiên, và có lẽ là duy nhất, trong đời.
Mẹ nó sững người.
Nó ngẩng lên, nhìn thẳng vào mắt bố. Cái nhìn không run sợ, không giận dữ. Mà là cái nhìn của một người đã bước ra khỏi bóng tối, để dũng cảm nhận lấy ánh sáng, dù chỉ là ánh sáng cuối cùng trước vực thẳm.
Nó nói, giọng khàn như gió qua rặng tre:
– Con đã giết người.
Bố nó khựng lại, mồm méo xệch, vì điếu thuốc lào đang hút dở. Mẹ nó ôm đầu, thét trong cơn hoảng loạn:
– Dậu ơi… con nói gì vậy?”
Tiếng “con” ấy vỡ òa trong gian nhà chật. Lần đầu tiên trong đời, nó được gọi là con, không phải bằng giọng mắng mỏ, không phải như một cái tên gọi cho có, mà là bằng tất cả kinh hoàng, tuyệt vọng, và rất có thể là một thoáng yêu thương.
Nó không khóc.

Dân làng chạy sang.
Biết chuyện, họ lặng im.
Họ không bất ngờ.
Họ không lên án.
Bởi ai cũng biết: không đứa trẻ nào sinh ra đã là tội đồ. Nhưng có những số phận lớn lên trong bóng tối của đòn roi, nghèo đói và lạnh lẽo, rồi một ngày nào đó, sẽ vỡ òa như một chiếc chum chứa nước mưa mùa hạ bị nung dưới nắng gắt quá lâu.
Nó tập tễnh, lết chậm từng bước chân trần, trên con đường làng trơn trượt. Nó ra đầu thú trong đêm. Không một tiếng oán hờn, không đổ lỗi, không cầu xin.
Dậu đi tù 18 năm. Cái tên ấy mờ dần trong trí nhớ người làng Nọ, thỉnh thoảng vọng lại qua câu chuyện quanh nồi bánh chưng, hay trong giấc mơ chập chờn, của một ai đó từng thương nó.
Người ta vẫn tiếc: "Giá như tuổi thơ của nó được vỗ về nhiều hơn… thì mọi chuyện đã khác".