Dần năm nay đã ngoài 40, cái tuổi mà ở quê, đàn ông thường đã có con học cấp hai, nhà cửa ổn định, có khi còn đang tính chuyện gả con. Vậy mà Dần – trai tân chính hiệu – chưa một mảnh tình vắt vai.
Không phải vì Dần không ra gì. Ngược lại, anh sáng sủa, hiền lành, chịu khó, chăm chỉ, khéo tay. Anh mở xưởng cơ khí ngay trong sân nhà, nổi tiếng cả vùng. Hễ cái cổng nào xệ bản lề, cái mái tôn nào bung mối hàn, ai cũng nghĩ ngay tới Dần. Cái tên ấy như một thương hiệu, không cần biển bảng, không cần quảng cáo.
Dần sống khép kín, khép từ trong ra ngoài. Khép từ ánh mắt, từ dáng đi lặng lẽ, từ nếp sống đơn độc không ai chen vào được. Từ ngày mẹ mất, khi Dần mới hơn 10 tuổi, căn nhà ấy chỉ còn hai cha con sống với nhau, lạnh lẽo và cứng nhắc như gạch lát sân mùa đông. Ông Lữ – bố Dần – từ sau cú mất vợ, sống khô khan như gỗ táp nắng, chẳng còn biết nói lời dịu dàng, càng không biết cách sẻ chia.
Dần lớn lên trong sự thiếu vắng, thui thủi như một hòn đất ném quên sau vườn. Ít nói, trầm tính, lầm lũi. Học tốt, đủ sức thi cao đẳng đại học như bạn bè, nhưng Dần chọn học nghề. Phần để sớm đi làm kiếm tiền, phần để đỡ gánh cho bố. 18 tuổi đi học cơ khí, 20 tuổi về làng mở xưởng tại sân nhà.
Thế là 20 năm trôi qua. Sáng sớm, người ta đã thấy bóng Dần cặm cụi ngoài sân, mài sắt, hàn cổng. Tối mịt, ánh lửa từ máy hàn vẫn loé lên xanh lét một góc trời quê, như con đom đóm cô độc chẳng biết về đâu. Cơm ăn xong, Dần lại sửa nốt bản lề còn dang dở, lau mũi hàn, rửa tay trong cái chậu nhôm méo mó, rồi đi ngủ. Không bạn, không bè. Không đàn bà. Không tình yêu.
Người trong làng nói với nhau:
– Thằng Dần nó kỹ tính quá, lạc hậu, mạng xã hội còn không chơi.
– Tới nhà gái uống chè mà nó ngồi yên, chẳng chuyện trò, khác nào người sắt.
– Nó giống bố nó – ông Lữ – sống khô khan, chẳng cần phụ nữ, mẹ Dần mất gần 30 năm mà ông vẫn ở vậy.
Cũng có người già hơn thì thì thào thêm:
– Đất nhà Dần nặng bóng vía đàn bà. Bà nội mất sớm, mẹ cũng mất sớm. Cứ như thế mà ám theo…
Nếu nghĩ vậy, thì ai dám gả con gái cho Dần?
“Gái thì ai mà chẳng muốn yêu. Nhưng yêu là phải có thời gian, phải có tâm trí. Mà Dần nó dành hết cho sắt thép cả rồi” – một bà mối trong làng từng nói thế.

Hồi ngoài 30 tuổi, Dần cũng từng tìm hiểu vài người. Có cô giáo làng, dịu dàng, nhưng sợ cảnh nhà vắng vẻ. Có cô kế toán, thấy căn bếp nhà Dần lạnh tanh, bàn ăn chỉ 2 cái bát thì lặng lẽ rút lui. Mỗi cuộc tìm hiểu đều kết thúc nhanh chóng, như trận mưa đầu hạ chạm mái ngói nóng, rồi bốc hơi tức thì.
Dần không trách ai. Cũng chẳng bao giờ kể khổ. Anh sống lặng như một khúc gỗ chìm trong dòng nước lặng. Làng dần quen với sự lặng lẽ ấy, đến mức không ai còn hỏi Dần chuyện lấy vợ nữa. Như thể cuộc đời Dần vốn đã được an bài như vậy.
Có người hỏi đùa:
– Không vợ con gì, không thấy buồn sao?
Dần không quay lại, chỉ cúi đầu lau cái máy hàn:
– Biết làm sao đây... quen rồi!
Dần là thế, khô khan một cách nhẹ nhàng.
Mỗi chiều, khi làng lên đèn, nhà này gọi con ăn cơm, nhà kia mở tivi, thì sân nhà Dần vẫn vang tiếng kim loại, ánh lửa xanh vẫn nhấp nháy như một tín hiệu từ một thế giới khác.
Hai người đàn ông, sống với cái bóng của mình, lặng lẽ như lớp rêu đen bám trước hiên nhà.