Những năm 2000, cụ là người duy nhất còn giữ nghề bán gạo nếp bằng đấu trong vùng – cái nghề mà mỗi lần đong gạo, tiếng va chạm của sắt vào tre tạo nên một thứ thanh âm rất quê. Cụ gánh hàng đi chợ từ tinh mơ, lưng còng như dấu hỏi, vóc người chỉ chừng thước ba, còn không dài bằng chiếc đòn gánh. Cụ đi chậm rãi, nhẫn nại như thể gánh trên vai cả tuổi già và cô quạnh.
Người ta gọi cụ là “cụ chửi”, không phải vì cụ dữ, mà bởi trưa nào cũng vậy, về đến sân là cụ lại vung gậy, chửi om trời. Cụ chửi… cây. Cụ chửi… quả. Cụ chửi cả cái đám trẻ con nào đã vặt trộm trái roi, quả khế, bưởi non hay quả trứng gà còn chưa kịp chín.
“Cha tiên sư đứa nào ăn cắp quả bưởi nhà bà! Bưởi còn non xanh thế mà cũng hái, cũng ăn! Cái lũ mất nết… ăn cho nghẹn đi!”
Vườn nhà cụ không rộng, nhưng đầy bóng mát và mùi hương của những loại cây hiếm hoi còn sót lại ở làng: một cây bưởi già, một cây roi Nam Bộ đỏ thẫm, một cây khế ngọt thấp lè tè, và một cây trứng gà lúc nào cũng lấm tấm quả vàng như trứng chim. Trước hiên nhà còn có một tổ ong bắp cày, bao lần khiến cụ sưng húp mặt mày, nhưng cụ vẫn không phá, như thể giữa cụ và tụi ong ấy, có một thỏa ước ngầm: cùng già, cùng giữ lấy nếp nhà.
Cụ sống nghèo. Có chồng nhưng mất sớm, có nuôi một đứa con trai nhưng mất trẻ, để lại con dâu và đứa cháu nội lâu lâu mới ghé. Gần như cả đời cụ chấp nhận ở một mình, gắn bó với cây trái, chợ búa và cái gậy tre gác đầu giường.
Có người hàng xóm từng trêu:
– Cụ ơi, trồng cây na thì bao giờ cụ mới được ăn?
Cụ chỉ cười khẽ, mắt nhìn xa:
– Tao không ăn thì để cho nhà chúng mày ăn…

Rồi một ngày mùa đông, người làng chợt nhận ra chợ sáng vắng bóng cụ, trưa không nghe tiếng chửi. Họ chạy sang nhà, thấy cụ nằm co ro trên chiếc giường tre ọp ẹp, nồi cơm lật úp, canh vãi tung tóe khắp gian bếp lạnh. Không ai biết cụ đi lúc nào – có lẽ là vì đói, vì rét, hay vì cái bóng già nua đã không còn chỗ tựa nào nữa…
Cụ mất rồi. Căn nhà bỏ hoang, cỏ dại mọc đầy sân. Đêm xuống, đi ngang qua vườn cụ, nhiều người vẫn có cảm giác như ai đó đang ngồi dưới gốc roi, cầm gậy gõ gõ, rồi cất tiếng… chửi.
Phải đến hơn 20 năm sau, hàng xóm dọn dẹp lại vườn, lợp lại mái nhà, lấy chỗ để đồ. Người ta cải tạo khu vườn thành sân đậu ô tô, căn nhà nhỏ trở thành nhà kho. Họ gọi đó là “chỗ cụ Chửi”. Nghe như chuyện hài, mà lòng lại se sắt.
Người trong làng bảo nhau: “Sống một đời tằn tiện, đất thì có, mà chẳng ai thắp nổi nén nhang cho cụ…”. Mộ cụ ông, tức chồng cụ, cũng chỉ là nấm vữa lở lói, bia mộ chữ khắc nguệch ngoạc nay mờ đến khó đọc. Mộ cụ bà – “cụ Chửi” – thì mãi chưa ai sang sửa, chỉ có gió và cỏ dại viếng thăm thường xuyên.
Ở làng Nọ trước đây, người già thường hay chửi – nhưng tiếng chửi đó không phải để hận thù, mà như một phần của làng quê cũ. Cụ chửi để vơi cô quạnh, để dạy lũ trẻ con về ranh giới giữa cái đúng và cái sai – dẫu bằng giọng gay gắt. Sau này nghĩ lại, có lẽ cả xóm chẳng ai sợ cụ, mà chỉ… nhớ cụ.
Nhớ tiếng chửi xưa như một phần không thể thiếu của đời sống làng quê, thứ tiếng động khản đặc nhưng lại chứa trong đó cả một trời yêu thương – cằn cỗi mà tha thiết, nghèo khó mà nhân hậu đến tận cùng.