Từ ngày 1/7: Bộ máy chính quyền chuyển sang mô hình 2 cấp, cả nước còn khoảng 34 tỉnh, thành

img-8697-1743655537.jpeg
Ảnh minh hoạ. Nguồn ST

Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đang bước vào giai đoạn quan trọng. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, từ ngày 1/7 tới đây, mô hình chính quyền địa phương trên cả nước sẽ chuyển sang hai cấp: cấp tỉnh và cấp xã/phường, thay vì ba cấp như hiện nay. Chính quyền cấp huyện sẽ không còn hoạt động.

Đây là một phần trong Đề án lớn về sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp, được Bộ Nội vụ dày công hoàn thiện, trình Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 11. Dự kiến, đến ngày 30/8, toàn bộ hệ thống chính trị sau sắp xếp sẽ chính thức vận hành theo mô hình mới, tạo tiền đề để tổ chức đại hội đảng bộ các cấp.

Bộ máy gọn nhẹ, hiệu lực – hiệu quả hơn

Theo đề án, số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh trên cả nước sẽ giảm từ 63 xuống còn khoảng 34 tỉnh, thành phố. Đồng thời, cấp huyện sẽ không còn là cấp hành chính trung gian. Ở cấp xã, dự kiến sau sáp nhập, cả nước sẽ còn khoảng 5.000 xã, phường, giảm gần 50% so với hiện tại.

Việc sáp nhập không làm rập khuôn, cứng nhắc mà dựa trên 6 tiêu chí quan trọng đã được Bộ Chính trị thống nhất, bao gồm: diện tích tự nhiên, dân số, lịch sử – văn hóa – tôn giáo – dân tộc, điều kiện kinh tế, địa chính trị và quốc phòng – an ninh.

Bộ Nội vụ cũng khuyến khích đặt tên xã, phường mới theo hướng đơn giản hóa, dễ quản lý, ví dụ như dùng số thứ tự hoặc gắn với tên đơn vị hành chính cũ.

Chuyển động đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị

Không chỉ chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Hội Phụ nữ… cũng sẽ được cơ cấu lại tương ứng. Các cơ quan tư pháp như Tòa án, Viện Kiểm sát, cũng sẽ được tổ chức lại theo mô hình 2 cấp. Như vậy, cả hệ thống chính trị sẽ đồng loạt vận hành theo cơ cấu mới, tránh chồng chéo, rút gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tổng Bí thư Tô Lâm, tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng và người có công tại miền Trung – Tây Nguyên vừa qua, đã nhấn mạnh đây là một bước đi quan trọng, mang tính chiến lược lâu dài, nhằm xây dựng một bộ máy hành chính tinh gọn, hiện đại, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Không sắp xếp 11 tỉnh, thành phố

Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đợt này có 11 tỉnh, thành không thực hiện sáp nhập, gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Các địa phương này được giữ nguyên do đáp ứng yêu cầu đặc thù về vị trí, văn hóa, quốc phòng và dân cư.

Ngược lại, 52 tỉnh, thành còn lại (bao gồm cả 4 thành phố lớn là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng) sẽ thực hiện sắp xếp theo lộ trình được chỉ đạo.