
Theo Bộ Nội vụ, việc bỏ quy định riêng về công chức cấp xã là để hướng tới một bộ máy hành chính đồng bộ, chuyên nghiệp hơn. Dù làm ở trung ương, tỉnh hay xã, miễn là làm trong cơ quan nhà nước, thuộc biên chế và nhận lương từ ngân sách, thì đều là công chức. Không còn chuyện công chức “cấp dưới” hay “cấp trên” – tất cả đều làm công việc chuyên môn, thực hiện đúng chức trách được giao.
Điều này cũng giúp xóa bỏ tư tưởng “công chức là quan chức”. Người dân không còn phải nhìn công chức xã như những “ông quan nhỏ” có quyền sinh quyền sát. Thay vào đó, công chức – dù ở đâu – đều là người phục vụ nhân dân, làm đúng quy trình, đúng bổn phận, không xin – cho, không nể – né.
Anh Nguyễn T.T, người dân ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) chia sẻ: “Tôi thấy chủ trương này rất hợp lý. Trước giờ có nhiều khi đến xã làm giấy tờ, người dân chúng tôi vẫn cảm thấy xa cách. Có khi chỉ là xác nhận đơn giản mà cũng phải chờ đợi hay bị gây khó dễ. Nếu tất cả công chức đều được coi như nhau, thì người ở xã phải chuyên nghiệp như người ở tỉnh. Tôi mong là sau khi luật sửa đổi, tinh thần phục vụ dân sẽ thực chất hơn.”
Chất lượng bộ máy và quyền lợi người dân
Việc thống nhất khái niệm công chức không chỉ mang ý nghĩa pháp lý, mà còn có tác động lâu dài đến chất lượng vận hành của bộ máy nhà nước. Khi không còn phân biệt cấp xã (phường), tỉnh (thành phố) hay trung ương, tiêu chuẩn tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm hay đãi ngộ công chức sẽ được nâng lên đồng đều, buộc mỗi người làm công vụ phải không ngừng nâng cao năng lực, tinh thần phục vụ.
Với người dân, điều đó có thể tạo ra sự thay đổi rất rõ rệt: cán bộ xã không còn là “người quen làng”, mà là người thực hiện công việc một cách chuyên nghiệp, đúng quy định, đúng trách nhiệm. Việc xử lý giấy tờ, thủ tục hành chính sẽ ngày càng minh bạch, giảm phiền hà, tránh tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.
Tuy nhiên, cải cách cũng đặt ra áp lực không nhỏ đối với đội ngũ công chức đang công tác ở cơ sở. Việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính sẽ làm thay đổi vị trí việc làm, yêu cầu tái đào tạo, đánh giá lại năng lực. Nhưng mặt tích cực là: ai có năng lực sẽ có cơ hội thăng tiến, được trả lương xứng đáng. Trước mắt, Nhà nước vẫn bảo lưu lương và phụ cấp trong 6 tháng sau khi sắp xếp để đảm bảo sự chuyển tiếp ổn định.
Về lâu dài, một đội ngũ công chức tinh gọn, làm việc hiệu quả, sống được bằng lương và thực tâm vì dân chính là nền tảng cho một nền hành chính hiện đại, thân thiện và gần dân hơn.