
Ẩm thực là văn hóa sống – một góc nhìn bản sắc
Người Hà Nội từ xưa vốn không ăn cho no, mà ăn để cảm, để nhớ, để truyền lại. Mỗi món ăn không chỉ mang theo hương vị mà còn gói ghém trong đó cả cách sống, lối nghĩ và phong thái của người Hà Thành. Cà phê trứng – một sáng tạo của Café Giảng – không đơn giản là đồ uống. Nó là biểu tượng của khả năng thích ứng: khi thiếu sữa, người thợ đã biến khó thành cơ hội bằng lòng đỏ trứng, tạo nên một sản phẩm hoàn toàn mới, mang đậm dấu ấn Việt.
So với thế giới, ẩm thực Hà Nội không ồn ào như món Thái cay nồng, không hoành tráng như tiệc Ý – Pháp, nhưng lại mang một nét duyên thầm khó cưỡng. Nếu ẩm thực phương Tây chú trọng vào hình thức, kết cấu và sự chính xác trong kỹ thuật, thì ẩm thực Hà Nội đề cao cảm xúc, sự hài hòa và cái tình trong từng món. Đó là cái “tinh” chứ không phải cái “sang”, là cái “tâm” chứ không chỉ cái “tay”. Chính vì vậy, một miếng chả cá Lã Vọng ăn đúng cách, đúng vị không chỉ khiến người ta hài lòng mà còn gợi nhớ đến cả một Hà Nội trầm mặc, cổ kính.
Gìn giữ – nhưng không bảo thủ, phát triển – mà không đánh mất gốc rễ
Bài học từ những thương hiệu ẩm thực nổi tiếng ở các nước phát triển cho thấy: giá trị bản địa chỉ thật sự vững bền khi nó được hệ thống hóa, được dạy và truyền lại một cách bài bản. Ẩm thực Ý có các trường dạy làm mì truyền thống. Ẩm thực Nhật có các chương trình đào tạo sushi chef chuyên nghiệp suốt nhiều năm. Vậy thì tại sao ẩm thực Hà Nội lại không thể bước vào không gian giáo dục một cách mạnh mẽ hơn?
Thật đáng mừng, những doanh nghiệp như Gia Trịnh đã bước những bước đầu tiên. Không chỉ đơn thuần làm bánh, họ còn hợp tác với các trường đại học, đưa công thức, kỹ thuật và giá trị văn hóa vào giáo trình. Đây chính là hướng đi mới: giáo dục Di sản ẩm thực – nơi những món ăn không chỉ được “nếm” mà còn được “hiểu”, được “trân trọng”, được “giảng dạy” như một phần của kho tàng văn hóa.

Ẩm thực – từ bếp nhà ra thế giới
Di sản ẩm thực không thể chỉ cất giữ trong các nhà hàng truyền thống. Để sống được với thời đại, ẩm thực Hà Nội cần vươn ra thế giới, như cách cà phê trứng đã được khách quốc tế biết đến, như cách bánh Gia Trịnh đang Nghiên cứu bảo quản để xuất khẩu mà vẫn giữ hồn cốt nguyên vẹn. Đó là một hành trình dân tộc hóa – để giữ lấy hồn Việt, và quốc tế hóa – để lan tỏa tinh hoa.
Nhưng điều ấy không thể thành hiện thực nếu thế hệ trẻ quay lưng với món ăn truyền thống. Việc đưa ẩm thực vào giáo dục, vào hoạt động trải nghiệm, vào đời sống học đường sẽ giúp các em hiểu rằng: giữ gìn di sản không phải là việc của quá khứ, mà là trách nhiệm của hiện tại.
Ẩm thực Hà Nội là một phần không thể tách rời của văn hóa dân tộc. Nó chứa đựng sự tinh tế của tâm hồn, trí tuệ trong sáng tạo, và cả bản lĩnh vượt qua thời cuộc. So với thế giới, ẩm thực Hà Thành có thể không rực rỡ, không phô trương, nhưng lại bền vững – bởi nó sống trong ký ức, trong câu chuyện, trong những bàn tay lặng thầm giữ nghề.
Muốn ẩm thực ấy sống lâu, lan xa, chúng ta không chỉ cần giữ gìn mà còn cần học, hiểu và dạy lại – để mỗi món ăn không chỉ là vị ngon, mà là lời kể tiếp về một Hà Nội muôn đời thanh lịch.