Tổng Bí thư Tô Lâm: Hướng tới mô hình tổ chức mới với khoảng 34 tỉnh, thành và 5.000 xã, phường

Ngày 28/3, tại buổi gặp gỡ cán bộ lão thành cách mạng, người có công và các gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chia sẻ những định hướng lớn liên quan đến việc sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp, hướng tới xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả.
img-8540-1743180813.jpeg
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu - Ảnh ST

Theo Tổng Bí thư, việc tổ chức lại bộ máy chính trị đang được tiến hành với tinh thần quyết liệt, khẩn trương nhưng không nóng vội, bảo đảm công việc không bị gián đoạn và các mô hình mới phải mang lại hiệu quả cao hơn. Dự kiến, sau khi hoàn tất việc sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay, cả nước sẽ còn khoảng 34 tỉnh, thành; không duy trì cấp huyện, và tổ chức lại cấp xã còn khoảng 5.000 xã, phường.

Ông nhấn mạnh, việc tinh gọn hệ thống chính trị được thực hiện theo hướng khoa học, nhân văn, làm từ Trung ương đến địa phương, với phương châm “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”. Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động, tạo thuận lợi trong quá trình sắp xếp.

Các địa phương đang tích cực rà soát, tổng kết, đề xuất phương án tổ chức lại phù hợp. Quá trình thực hiện Nghị quyết 18 và việc tái cấu trúc bộ máy đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao từ các tầng lớp nhân dân.

Tổng Bí thư cho biết, Bộ Chính trị hiện đang xây dựng đề án trình Trung ương về việc sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện và tiếp tục tổ chức lại cấp xã. Việc này nhằm tổ chức lại không gian phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, với tầm nhìn dài hạn đến năm 2045 - 2050 và xa hơn.

“Mục tiêu là xây dựng một chính quyền gần dân, phục vụ dân tốt hơn, chủ động tiếp cận người dân, tạo động lực phát triển cho từng vùng, khu vực và cả nước”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong quá trình sắp xếp

Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư khẳng định, Đảng sẽ tiếp tục cuộc chiến này với tinh thần không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Nội hàm về phòng, chống lãng phí cũng đã được bổ sung, nhằm tăng tính răn đe và cảnh tỉnh trong xã hội.

Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã mở rộng chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương và các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung vào lĩnh vực quản lý tài chính công, tài sản công – những điểm nóng dễ xảy ra thất thoát, lãng phí.

Tổng Bí thư cũng cảnh báo, trong quá trình sắp xếp bộ máy, tổ chức lại hệ thống hành chính, không thể loại trừ nguy cơ xảy ra hiện tượng “đục nước béo cò”, lợi dụng sơ hở để trục lợi, tham nhũng. Do đó, bên cạnh vai trò chủ đạo của hệ thống chính trị và các cơ quan chuyên trách, cần có sự giám sát, phản ánh mạnh mẽ từ phía nhân dân để đảm bảo sự trong sạch, minh bạch.

Đại hội Đảng lần thứ 14 – dấu mốc mở đầu cho kỷ nguyên phát triển mới

Tổng Bí thư thông tin thêm, Đại hội lần thứ 14 của Đảng dự kiến sẽ diễn ra vào quý I năm 2026. Đây sẽ là sự kiện đánh dấu bước chuyển mình quan trọng, mở ra kỷ nguyên mới cho một Việt Nam phát triển, hùng cường, thịnh vượng.

Các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội được soạn thảo trên tinh thần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, thể hiện rõ mục tiêu, tính cách mạng và định hướng phát triển trong bối cảnh mới.