Khu rừng danh vọng: Danh hiệu thật - Danh vọng giả?

Trong tín ngưỡng linh thiêng của muôn loài rừng sâu, tiếng hót là lời dâng lên Mẹ Thiên Nhiên – biểu tượng của sự sống, sự cân bằng và lòng biết ơn. Từ bao đời nay, những mùa lễ cúng Mẹ là dịp để các loài chim cất cao tiếng hót, như một cách hành lễ mộc mạc mà thiêng liêng.
90af4762-1564-4e23-a7fe-e5aea98f2d04-1743216250.webp
Khu rừng danh vọng - Ảnh minh hoạ

Thế nhưng, khi tiếng hót bắt đầu được chấm điểm, được trao danh hiệu, được xếp loại và xét chọn – thì không khí trong rừng dường như cũng đổi khác. Danh hiệu “Âm cầm Ưu tú”, “Âm cầm Thiên nhiên” vốn là để tôn vinh lòng thành, nay lại trở thành cuộc đua của hồ sơ,… và những chiếc cành được “gửi đúng hướng”.

Khi tiếng hót không còn dành cho Mẹ Thiên Nhiên

Trong rừng già, loài chim từ bao đời vẫn tin rằng: cất tiếng hót là cách dâng lên Mẹ Thiên Nhiên những lời biết ơn và tôn kính. Dù là chim sẻ nhỏ hay sơn ca rừng sâu, mỗi mùa lễ cúng Mẹ, chúng đều tụ hội về suối nguồn, hát vang lời nguyện cầu giữa núi đồi.

Với muôn loài, tiếng hót không chỉ là âm thanh, mà là một hình thức thờ phụng – một tín ngưỡng thiêng liêng sống mãi qua từng thế hệ.

Thế nhưng, dạo gần đây, câu chuyện trong rừng không còn xoay quanh tiếng hót hay mùa lễ hội muông thú – mà là chuyện ai được phong danh “Âm Cầm Ưu Tú”, “Âm cầm Thiên nhiên” ai được xướng tên, và ai thì… bị lặng lẽ gạch tên.

Những cánh chim không cần hót vẫn được vinh danh

Năm nay, danh sách được công bố khiến không ít loài ngỡ ngàng:

Một vài cánh chim chưa từng xuất hiện trong các lễ cúng rừng, cũng chẳng ai nghe thấy tiếng hót bao giờ, nay lại được trao danh hiệu cao quý.

Có con được đồn là từng vi phạm Luật rừng... dính vết nhơ tha thức ăn của loài chim khác về tổ, vẫn được đưa vào bảng vàng với lý do “hồ sơ đẹp”.

Có loài vốn say mê âm thanh, mượn giọng muôn loài làm tiếng của riêng mình. Mỗi khi vỗ cánh phành phạch, lại ngỡ mình là bậc nhất giữa chốn rừng xanh.

Ngược lại, những cánh chim già cần mẫn cất tiếng trong suốt bao mùa mưa gió, bao mùa lễ hội muông thú, thì bị loại với lý do: “thiếu giấy tờ minh chứng công trạng”.

Dân rừng gọi vui đây là “mùa gửi cành”, khi những ai “biết đường bay” sẽ được xét duyệt nhanh hơn cả tiếng gió. Có tiếng thì thầm rằng, không ít hồ sơ “được duyệt trước khi gửi”, hoặc “bay nhầm nhưng vẫn hạ đúng tổ”.

Lá khô vẫn bay, nhưng không có tiếng hồi đáp

Sau khi bảng danh sách phong danh được công bố, không ít chú chim từng bị loại đã âm thầm gửi đơn phản ánh, viết bằng những chiếc lá khô rụng dưới gốc cổ thụ, gửi đến Cơ quan Bảo vệ Rừng Già – nơi xưa nay vẫn được xem là giữ gìn công bằng, bảo vệ tiếng hót thật của muôn loài.

Cơ quan tiếp nhận đơn thư, thế nhưng, những chiếc lá ấy cứ bay đi… rồi biến mất.

Không một tiếng trả lời. Không một lời giải thích. Không cuộc hẹn lần hai.

“Lúc nhận đơn thì nhanh. Đợi câu trả lời thì như gió thổi qua tai. Thật khó hiểu, bảo vệ muôn loài trong rừng mà lại không theo Luật rừng,” một chú sáo đá thở dài. Nhiều chim già gọi vui đây là “Hội đồng nghe trong im lặng, xét trong bóng tối, trả lời bằng sự lặng thinh.”

Một số chú chim trẻ đã định bay lên tận ngọn cây cao để gõ mỏ trực tiếp hỏi, nhưng được khuyên nên “giữ gìn lông cánh” nếu còn muốn dự thi vào mùa sau.

Khi niềm tin mỏi mệt trước những tiếng hót giả

“Chúng tôi không ganh tỵ với danh hiệu. Nhưng nếu danh hiệu ấy không dành cho những tiếng hót thật, thì nó còn ý nghĩa gì nữa?” – một chim chào mào già nói với đôi mắt đã mờ vì khói hương lễ rừng suốt 20 năm qua.

Nhiều chim trẻ cũng chán nản. Chúng bắt đầu học cách hót “cho hợp tai người nghe”, luyện dáng đậu sao cho đẹp khung hình – thay vì học cách lắng nghe suối, thở cùng cây và dâng Mẹ Thiên Nhiên những thanh âm từ lồng ngực trái.

"Mẹ Thiên Nhiên" vẫn lặng lẽ nghe - Như từ ngàn xưa

Không ai thấy Mẹ Thiên Nhiên nổi giận. Nhưng năm nay, mưa về muộn. Hoa không nở đúng mùa. Chim non nở trễ. Có lẽ, Mẹ đang nghe – nhưng không phải lời ca dối lòng, mà là tiếng lòng của những cánh chim từng hết dạ mà chẳng được ghi nhận.

Ở một góc rừng, một nhóm sẻ nâu vẫn tiếp tục luyện giọng, dù chẳng có ai xét duyệt. Chúng bảo nhau:
“Không cần ai phong danh. Chỉ cần Mẹ còn nghe được tiếng mình là đủ.”

Danh hiệu là phần thưởng, nhưng không thay thế được giá trị thật.
Tiếng hót là tâm hồn – là lời nguyện cầu gửi vào thiên nhiên, vào đất trời.
Mẹ Thiên Nhiên không nghe tiếng vang – Mà Mẹ nghe tiếng lòng thành.

Danh vọng có thể đến từ tán cây cao, nhưng lòng thành luôn bắt đầu từ rễ sâu.
Cánh chim nào còn giữ được tiếng hót thật – chính là đang tiếp nối tín ngưỡng rừng, thờ Mẹ một cách trọn vẹn nhất.

Dù thực hư chuyện phong danh kia vẫn còn là điều mà chỉ gió mới tỏ, nhưng hầu hết các loài trong rừng đều đồng lòng với một niềm tin sâu sắc: tiếng hót là cách đẹp nhất để tôn thờ Mẹ Thiên Nhiên. Mong rằng rồi đây sẽ có một lời giải thích thấu đáo, công tâm – không phải để vinh danh hay gỡ gạc, mà để lòng rừng yên ấm trở lại, để muôn loài có thể tiếp tục cất lên tiếng hót chân thành, như bao mùa đã từng, dâng lên Người Mẹ của mọi cội nguồn.