
Chốn tổ linh thiêng
Chốn Tổ - trong tín ngưỡng thờ Mẫu - là nơi thiêng liêng đánh dấu bước khởi đầu của một thanh đồng khi được mở phủ, chính thức bước vào con đường phụng sự Thánh Mẫu. Với bà, trở lại chốn xưa không chỉ là hành trình trở về với cội nguồn, để tưởng nhớ tâm đức cao dày về người thầy quá cố của mình - Đồng thầy Bùi Thị Vinh - nguyên thủ nhang đền Mẫu, mà còn là một lời tri ân sâu sắc gửi đến các đấng bề trên đã khai tâm, dẫn đường.

Trong tiết trời cuối xuân, đầu hạ, đền Mẫu chìm trong một bầu không khí linh thiêng, nơi tâm linh giao thoa văn hoá, nơi những nhịp chầu văn ngân lên đánh thức ký ức muôn đời. Đây không chỉ là nơi thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh - một trong Tứ bất tử của tín ngưỡng Việt, mà còn là điểm tựa tâm linh, nơi lưu giữ dấu ấn văn hóa và lịch sử, từng là địa điểm cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và được công nhận là di tích lịch sử cách mạng kháng chiến từ năm 2012.

Những người nặng lòng với tín ngưỡng
Lễ hầu Thánh của thanh đồng Trần Hồng Vân diễn ra trong không khí trang nghiêm mà gần gũi. Không phải buổi lễ lớn với trăm ngàn người, nhưng mỗi gương mặt trong không gian đền hôm ấy đều sáng lên niềm tôn kính. Buổi lễ không chỉ có bạn bè, thân khuyến, mà còn có cả những đồng thầy, thủ nhang tâm huyết - như: TS, nhà báo, NNDG Nguyễn Văn Quân, hiện là Phó Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, đồng thời giữ vai trò Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển đạo Mẫu Việt Nam. Ông còn là thủ nhang Đông Cuông Vọng Từ (Hà Nội) - địa chỉ tâm linh được biết đến với pho tượng Chúa Bà Đông Cuông cổ, linh thiêng, được cung thỉnh từ đền Bảo Hà - Lào Cai.

Một nhân vật khác, không thể bỏ qua, đó là đồng thầy Nguyễn Việt Hà - người thầy pháp đậm tình, đầy tri thức mà tôi vô cùng trân quý. Những con người như thế, tôi nghĩ, chính là những chiếc rễ bám chặt vào lòng đất, âm thầm giữ lấy hồn dân tộc giữa nhịp sống hiện đại.
Đến đây, xin chia sẻ thêm vài nét về đồng thầy Nguyễn Việt Hà - thủ nhang đền Cô Bé Suối Ngang (Lạng Sơn) và hiện đang “giữ lửa” tại đền Ngọc Nguyên Vọng Đàn xứ Thanh Trì (Hoàng Mai - Hà Nội). Ông là thầy pháp trực tiếp phụ trách nghi lễ cho buổi hầu Thánh của thanh đồng Trần Hồng Vân - người âm thầm đứng sau, đảm bảo mọi yếu tố văn hoá tâm linh và nghi lễ được diễn ra trọn vẹn.

Đồng thầy Nguyễn Việt Hà là một gương mặt không còn xa lạ trong cộng đồng tín ngưỡng thờ Mẫu. Không ồn ào, không xuất hiện nhiều trên truyền thông. Dù mới ở tuổi tứ tuần, nhưng nhờ vốn kiến thức sâu rộng của mình với tín ngưỡng, ông được ví như một cây gỗ quý trầm mặc trong rừng sâu, âm thầm giữ gìn cốt cách nghi lễ, dạy dỗ và dìu dắt những thế hệ thanh đồng đi đúng đường, giữ đúng phép.

Không chỉ am hiểu sâu rộng nghi thức, ông còn nổi bật bởi sự điềm tĩnh, thấu đáo và tinh thần kiên định với tín ngưỡng dân tộc. Vai trò của ông trong buổi lễ không chỉ là “pháp chủ”, mà còn là trụ cột tinh thần, bảo đảm sự thành công của toàn bộ nghi thức hầu Thánh.

Lối hầu mộc mạc giàu tinh thần văn hoá
khác với một số thanh đồng, thanh đồng Trần Hồng Vân chọn cho mình lối hầu Thánh giản dị, đúng khuôn phép. Không khoa trương, không phô diễn quá nhiều kỹ thuật, bà như hóa thân nhẹ nhàng trong từng giá hầu - khi đoan trang trong các giá Chầu, khi lại là Cô Bé Suối tung tăng, hay Đức Ông uy nghiêm, lẫm liệt. Mỗi dáng đứng, ánh nhìn, nhịp xoay đều toát lên sự nghiêm cẩn và tôn kính. Có người bảo: “Thanh đồng không cần múa đẹp, chỉ cần hầu đúng lề lối, có tâm, có thần thái.” Và quả thật, cái “thần” ấy là điều làm nên bản sắc riêng của bà.

Trang phục và phụ kiện hầu Thánh của thanh đồng Trần Hồng Vân cũng vậy - dù làm bằng chất liệu đắt tiền, sang trọng, nhưng không quá cầu kỳ xa hoa, mọi thứ vừa đủ đẹp, tinh tươm, chọn lựa kỹ lưỡng với một sự thanh sạch từ trong ra ngoài. Với mọi thanh đồng chân chính, sự thanh sạch trong trang phục cũng như trong tâm hồn - là một lời dâng trang nghiêm gửi đến các bậc Tiên Thánh.


“Tôi đánh giá cao những người như thanh đồng Trần Hồng Vân. Không cần biến buổi hầu Thánh thành sân khấu nghệ thuật, nhưng phải thực hiện đúng nghi thức, sao cho có hồn. Tín ngưỡng thờ Mẫu từ lâu đã được xem là đạo của người Việt, nhưng nếu không có lớp thanh đồng trẻ chịu giữ, chịu học, thì sẽ bị pha tạp hoặc mai một. Cô đồng Vân là người có tâm - có tầm - có căn” - TS, nhà báo, NNDG Nguyễn Văn Quân chia sẻ.


Điểm nhấn thú vị và tinh tế
Ấn tượng khó quên trong buổi lễ là hình ảnh chú lân bé nhỏ tung tăng trong những giá hầu cuối - một chi tiết gợi mở, đầy nhân văn. Lân - biểu tượng của điềm lành và hưng thịnh - như mang đến một lời chúc phúc nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Trẻ thơ reo vui khi thấy lân múa, người lớn mỉm cười vì thấy sự sống thấm đẫm trong nghi lễ linh thiêng - nơi tín ngưỡng không chỉ là thờ cúng, mà còn là niềm hoan hỷ, là sự lan toả của ánh sáng tinh thần.

Điểm nhấn thú vị khác khiến tôi ấn tượng không kém, đó là những vật phẩm dâng phát - ngoài bánh kẹo, trái cây, rượu, chè, thuốc… còn có những chú baby three và labubu - món đồ chơi trẻ em thời thượng - điểm nhấn mới mẻ. Một chi tiết tưởng chừng nhỏ, nhưng lại nói lên sự thức thời và khả năng kết nối một cách nhẹ nhàng, đầy tinh tế giữa tín ngưỡng truyền thống với nhịp sống hiện đại. Điều này cho thấy tinh thần cởi mở, linh hoạt, sự thấu hiểu của thanh đồng Trần Hồng Vân - người không chỉ giữ đạo, mà còn hiểu người.

Gìn giữ và tiếp nối
Trong suốt chiều dài lịch sử, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã từng trải qua không ít biến thiên. Từ chốn thâm u bị hiểu lầm, cho đến khi được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại. Nhưng sự tồn tại của nó hôm nay, không chỉ nhờ vào danh hiệu, mà còn bởi những người như thanh đồng Trần Hồng Vân, như đồng thầy Nguyễn Việt Hà, hay TS, nhà báo, NNDG Nguyễn Văn Quân - những người gìn giữ từng chi tiết, từng bước chân, từng nén hương, từng điệu chầu văn.



Buổi lễ hầu Thánh khép lại trong tiếng trống rộn ràng và hương trầm vấn vương. Tôi tin, thứ dư âm đó sẽ đọng mãi nơi đây. Ở đó, tôi thấy một thế hệ thanh đồng như Trần Hồng Vân - những người không chỉ “hầu” mà còn “giữ”, không chỉ “dâng lễ” mà còn “gửi tâm”. Họ đang âm thầm nối nhịp giữa quá khứ và hiện tại, để mỗi giá hầu không chỉ là nghi thức tâm linh, mà còn là một biểu hiện sinh động của văn hoá Việt.
Trong nhịp sống hối hả hôm nay, khi mà những giá trị xưa có nguy cơ bị mờ nhạt, thì một vấn hầu mộc mạc như thế lại trở thành nơi neo giữ niềm tin - nơi người ta lặng lại giữa dòng đời vội vã, tìm thấy chính mình trong tiếng văn, điệu múa, trong sự tĩnh tại của lòng thành - nơi ta được trở về với cội nguồn sâu thẳm và nghe thấy tiếng gọi vọng về từ những bậc Tiền Nhân.
Không cần đến những điều quá lớn lao, chính sự giản dị, chân thành, đúng lề lối của những người như thanh đồng Trần Hồng Vân lại là hành động đẹp nhất trong công cuộc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc.
Một số hình ảnh hầu Thánh khác:














