Ký sự hầu đồng: Thượng Nguyên uy linh tại đền Rừng

Từ bao đời nay, ngày rằm tháng Giêng - Tết Thượng Nguyên - vẫn được người Việt xem là dịp linh thiêng, khi trời đất giao hòa, lòng người hướng thiện, Trời - Phật - Thánh Thần ban phúc lành cho nhân gian. Ở chốn địa linh đền Rừng, giữa không khí xuân còn vương sắc đào hồng, lễ Thượng Nguyên không chỉ là cuộc hành hương về với cõi tâm linh mà còn là dịp để chứng kiến một nghi lễ huyền nhiệm - vấn hầu của Nghệ nhân, thủ nhang Hoàng Xuân Mai.
img-6425-1739632403.jpeg
Đông đảo khách mời và du khách thập phương tham dự buổi lễ hầu đồng

Biển người về đền, tâm thành vọng Thánh

Từ sáng sớm, dòng người từ khắp nơi đã đổ về đền Rừng, tạo nên khung cảnh đông đúc chưa từng có. Chẳng phải ngẫu nhiên mà dân gian vẫn lưu truyền câu: “Đi chùa quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”. Tín chủ đến đền không chỉ để cầu an, xin lộc đầu năm mà còn để chiêm ngưỡng một trong những nghi lễ quan trọng bậc nhất trong tín ngưỡng thờ Mẫu - nghi lễ hầu đồng.

Giữa biển người ấy, không khó để nhận ra sự hiện diện của đông đảo bạn trẻ. Đây là một tín hiệu đáng mừng, bởi điều đó chứng tỏ tín ngưỡng dân gian không chỉ được bảo tồn mà còn đang dần được thế hệ trẻ tiếp nhận với lòng thành kính và niềm say mê khám phá. Những đôi mắt háo hức dõi theo từng nghi thức, những bàn tay nâng điện thoại ghi lại khoảnh khắc kỳ diệu của buổi lễ, tất cả đều cho thấy sức sống mạnh mẽ của tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống hiện đại.

Tôi tình cờ gặp Minh Anh (21 tuổi, Hà Nội), một bạn trẻ đã có nhiều năm theo dõi các hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu. Khi được hỏi về lý do đến đây, Minh Anh hào hứng chia sẻ: “Thực ra trước đây em không biết nhiều về hầu đồng hay tín ngưỡng thờ Mẫu. Nhưng khoảng mấy tháng trở lại đây, em bắt đầu đọc được nhiều bài báo trên Facebook về các thanh đồng nổi tiếng, trong đó có Nghệ nhân, thủ nhang Hoàng Xuân Mai. Em ấn tượng vì cậu không chỉ giỏi về nghi lễ mà còn làm rất nhiều việc thiện nguyện. Vậy là em tìm hiểu thêm, rồi quyết định đến đền Rừng lần này để tận mắt chứng kiến một vấn hầu từ nghệ nhân, thủ nhang Hoàng Xuân Mai”.

img-6422-1739632694.jpeg
Không khí uy linh và không kém phần rộn ràng

Vấn hầu uy linh - khoảnh khắc giao hòa giữa trần gian và Thần Thánh

Trong tiếng trống dồn dập, dàn nhạc chầu văn réo rắt, giây phút khai đàn bắt đầu. Nghệ nhân, thủ nhang Hoàng Xuân Mai xuất hiện trong sắc phục rực rỡ, gương mặt thanh tịnh mà uy nghiêm. Khi nhạc văn cất lên, từng điệu múa, từng ánh mắt, từng động tác phát lộc đều như mang theo linh khí của chư Thánh giáng đàn.

Công đồng chật kín người, ai nấy nín thở dõi theo từng nghi thức. Những hồi trống dồn dập đưa người xem vào không gian huyền ảo, nơi cõi thiêng dường như đang hòa quyện cùng nhân gian. Hình bóng của các vị Thánh hiện lên trong mỗi giá hầu - khi oai nghiêm lẫm liệt của Quan Lớn, lúc uyển chuyển dịu dàng của Chầu Bà, lúc khoáng đạt, uy nghiêm của Đức Ông.

Bàn tay nghệ nhân Hoàng Xuân Mai dù phất cờ, đi đao, múa mồi hay tung lộc, thì mỗi cử chỉ đều như vẽ nên một bức tranh sống động của thế giới tâm linh. Người dự hầu chen chân trước cửa Công đồng, cố vươn tay nhận lấy chút lộc Thánh ban. Không khí hội tụ đủ đầy cả sự trang nghiêm, rực rỡ, và những khoảnh khắc huyền diệu khiến người xem phải rùng mình vì xúc động.

img-6429-1739633546.png
Du khách hào hứng xin lộc Thánh

Tín ngưỡng thờ Mẫu - dòng chảy không ngừng của văn hóa dân tộc

Nhìn lại vấn hầu Thượng Nguyên tại đền Rừng, điều đọng lại không chỉ là sự tố hảo, uy linh của từng giá đồng mà còn là minh chứng sống động cho sức sống bền bỉ của tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống hiện đại.

Sự xuất hiện đông đảo của giới trẻ không chỉ cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ của tín ngưỡng này mà còn mở ra hy vọng về một thế hệ tiếp nối đầy nhiệt huyết trong việc gìn giữ Di sản văn hóa dân tộc. Nếu như trước đây, hầu đồng từng bị hiểu lầm là mê tín dị đoan, thì ngày nay, với sự công nhận của UNESCO và sự tiếp nhận cởi mở hơn từ công chúng, tín ngưỡng thờ Mẫu đã dần khẳng định được vị trí của mình trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.

Trong tiết Thượng Nguyên, dưới mái đền Rừng, giữa không khí linh thiêng hòa quyện cùng sắc xuân, vấn hầu của Nghệ nhân Hoàng Xuân Mai không chỉ là một nghi thức tâm linh, mà còn là nhịp cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa cõi trần và thế giới thần linh, giữa truyền thống và sức sống của thời đại. Và cũng từ đó, ta hiểu rằng: tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ là một di sản văn hóa - đó còn là hơi thở, là tâm hồn, là sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam.