Từ bên kia sông Hồng, phía Hưng Yên quê tôi, tôi chọn đi phà - như một cách chậm lại giữa guồng quay của phố thị. Giữa dòng nước đỏ phù sa, không gian như nhuộm một lớp trầm tích cổ xưa, gợi trong tôi đôi câu thơ ngẫu hứng:
Sông Hồng chở nặng phù sa
Có một chuyến phà đưa khách qua sông…

Đền Mẫu Đầm Sen hiện ra giữa cánh đồng, ẩn mình bên hồ sen bán nguyệt dịu mát. Gió đồng lùa qua những tán cây rì rào, sen trong đầm rớm nụ, mang lại cảm giác thanh sạch và nhẹ tênh, như đã bước vào cõi thiêng.


Theo lời ông Vũ Văn Vu - quản lý đền - ngôi đền này đã có từ đời Hùng Vương thứ 18, là dấu tích của một phi tần từng ngao du rồi ở lại bởi mê mẩn vẻ đẹp hữu tình. Năm 2023, dân làng góp công tôn tạo, vừa giữ nếp cũ vừa mở rộng thêm không gian mới - với gian nhà Mẫu mới uy nghi bên đầm nước trở thành không gian linh thiêng, nơi thanh đồng Nguyễn Văn Quân loan giá phụng hầu.




Giữa những xô lệch của đời sống hiện đại, NNDG, thanh đồng Nguyễn Văn Quân là một trong số hiếm hoi những người lặng lẽ giữ cho tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn cháy âm ỉ, như ngọn đèn không tắt trong lòng dân gian.
Không sinh ra trong một gia đình có truyền thống hành đạo, nhưng ông lại bén duyên với cửa Thánh như thể đó là một phần định mệnh được khắc sẵn trong căn cốt. Ông gìn giữ, bằng lòng thành và sự kiên tâm. Là Phó Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển đạo Mẫu Việt Nam, ông không hành đạo để tạo danh, mà để gìn giữ.

Mỗi giá hầu không chỉ là nghi lễ, mà còn là tác phẩm nghệ thuật thiêng liêng, nơi tâm linh gặp gỡ văn hoá, nơi đạo và đời soi chiếu vào nhau bằng sự tử tế và hiểu biết.
Ông hiện là thủ nhang bản điện Đông Cuông Vọng Từ - một bản điện nhỏ giữa miền xuôi, nhưng hướng vọng về miền sơn cước linh thiêng, nơi Chúa bà Đông Cuông ngự. Ở đó, ông không chỉ hành lễ, mà còn mở lối cho những ai hữu duyên tìm lại mình trong làn hương trầm, tiếng văn chầu, và ánh sáng của đức tin.

Ông tâm niệm rằng, muốn bảo tồn tín ngưỡng trước hết phải học làm người tử tế. Và chính bằng đạo tâm ấy, ông chọn Đền Mẫu Đầm Sen - một ngôi đền quê yên tĩnh - là nơi hành đạo. Không phô trương, không ồn ã, mà an yên, thanh tịnh, đủ để “rửa lòng trần”. Trong ông, đạo không phải nơi cao xa, mà là nếp sống hằng ngày - nơi người ta thắp một nén tâm nhang cho lòng nhẹ, giữ một lời văn cho đời sạch, và cúi mình trước Thánh để đứng thẳng giữa trần gian.

Buổi hầu mở đầu bằng lễ cung thỉnh trang nghiêm. Trước ban công đồng nghi ngút khói hương, ông cùng toàn gia cầu xin quốc thái dân an - mưa thuận gió hoà, cầu cho gia đạo an yên và xin phép các ngài được loan giá phụng hầu.


Mùa hạ, trời oi nồng, lửa hương nghi ngút, y phục nhiều lớp, nhưng ông vẫn nhập đồng một cách uyển chuyển: lúc lẫm liệt như quan lớn đánh trận, lúc dịu dàng như chầu tiên dáng trần, khi tung tăng nhí nhảnh trong giá cô bé, khi trầm mặc thâm trầm trong giá quan hoàng. Cứ thế, từng giá đồng thay nhau hiện lên - vừa là nghi lễ, vừa là diễn xướng - dẫn dắt người dự hầu đi qua những tầng nghĩa của đời, của đạo, của tâm linh.


Khi đến giá Chúa Thác Bờ, trời bất chợt đổ mưa. Một cơn mưa như thể đã hẹn từ trước. Mưa giúp bầu không khí trở nên mát lành, hòa quyện với tiếng trống chầu, tiếng hát văn, tiếng đàn nguyệt tình tang - tất cả tạo nên một bản hoà ca linh thiêng. Trong làn hương lan tỏa, lời văn ngân vang như thấm vào từng tâm khảm:
A i mà vận hạn khó qua
Lòng thành kêu Chúa Thác Bờ cứu cho
Chúa cứu cho người qua tai nạn khỏi
Lại cứu người khỏi cõi trầm luân
Nước tiên tẩy sạch bụi trần
Thanh tao rồi lại mười phần thanh cao.

Lời văn không chỉ là khẩn cầu, mà còn là triết lý nhân sinh sâu sắc. Trong khổ nạn, con người tìm về tâm linh như một điểm tựa - không phải để tránh né, mà để thanh lọc, để khơi dậy nội lực. Đức Chúa Thác Bờ - hình tượng linh thiêng của miền sông nước Tây Bắc - trong tâm thức người dân Việt, là hiện thân của sự cứu rỗi, của lòng từ bi, của niềm tin rằng “nước tiên” có thể rửa sạch mọi bụi trần nếu lòng người giữ được ánh sáng của chân - thiện - mỹ.


Buổi hầu khép lại sau cơn mưa, hoàng hôn đỏ rực ở phía chân trời bất ngờ hiện lên, ánh sáng như một dải lụa mỏng trải qua đầm sen cổ tích. Mọi sự chu viên, lòng người như nhẹ nhõm hơn, rũ sạch bao ưu phiền.


Tôi trở về, mang theo một cảm giác vừa an yên, vừa lắng đọng. Một buổi hầu Thánh không ồn ã, không phô trương, mà đầy tinh thần nhân văn, như một lễ rửa tâm, một cuộc hành hương nội tại.
Bởi cuối cùng, tín ngưỡng thờ Mẫu đâu phải hiện hữu ở nơi đông đúc hay danh tiếng, mà trú ngụ trong lòng người biết giữ đạo: đạo tâm, đạo đức, đạo sống. Và đôi khi, Phật Thánh ngự không phải nơi thượng giới, mà ở chính trong lòng trần.


VIDEO HẦU THÁNH CỦA TS, NB, NNDG NGUYỄN VĂN QUÂN TẠI ĐỀN MẪU ĐẦM SEN (THƯỜNG TÍN - HÀ NỘI).