
Hương xuân giữa đền Rừng
Lập xuân, khởi đầu của mùa xuân, mang theo hơi thở mới, sự chuyển mình của đất trời. Năm nay, tiết khí này rơi vào 21 giờ 09 phút ngày 3/2/2025 và kéo dài đến 21 giờ 09 phút ngày 4/2/2025. Ngày chính khí của Lập xuân chính là mùng 4/2. Trong văn hóa Việt Nam, đây không chỉ là dấu mốc thời gian mà còn là điểm khởi đầu của một năm an lành, thịnh vượng.
Đi lễ một vòng, tôi ngỡ ngàng trước cảnh sắc nơi đây. Lan, quất, đào, mai đua nhau khoe sắc. Nụ xuân chớm nở, những quả quất vàng ươm trĩu cành, tất cả hòa quyện vào nhau, tạo nên một không gian rực rỡ mà thanh tịnh. Hít một hơi thật sâu, tôi cảm nhận trọn vẹn mùi hương xuân tinh khôi lan tỏa khắp khuôn viên đền.

Từ cổng đến bến sông Hồng, quất đào, đèn lồng đỏ được trang trí khéo léo, nhìn từ trên cao, con đường xuống bến như một dải lụa mềm uốn lượn trong gió. Mỗi ngôi đền có một vẻ đẹp riêng, nhưng với tôi, đền Rừng mang một nét yên bình hiếm có. Đứng giữa khoảng trời rộng, hướng mắt về phía sông Hồng, lòng tôi bỗng nhẹ bẫng, an yên.
Nếu du khách đến đây vào buổi sáng, sương sớm bảng lảng trên mặt sông, quện vào những nhành lá non mơn mởn, tạo nên một bức tranh huyền ảo. Chiều tà lại càng quyến rũ hơn, ánh hoàng hôn buông xuống, nhuộm vàng một khúc sông, phản chiếu lung linh trên những bậc thềm xuống bến.

Dấu ấn của nghệ nhân, thủ nhang Hoàng Xuân Mai
Sự phát triển của đền Rừng hôm nay không thể không nhắc đến dấu ấn của thủ nhang Hoàng Xuân Mai. Anh không bê tông hóa hay can thiệp thô bạo vào cảnh quan, mà luôn dựa vào thế đất tự nhiên để mở rộng và kiến tạo. Cây xanh được trồng thêm, những bãi đất hoang ven sông dần trở thành vườn hoa, thảm cỏ, tương lai, khuôn viên này sẽ thành một “vườn thượng uyển” xanh mát.

Không dừng lại ở việc bảo tồn, anh còn mong muốn phát triển du lịch tâm linh kết hợp đường sông, đưa du khách trải nghiệm hành trình từ bến sông Hồng lên đền, thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên kết hợp với văn hóa tín ngưỡng.
Làm sao để một người vừa là Thủ nhang, vừa là Giám đốc doanh nghiệp lại có thể chu toàn mọi việc đến vậy? Biết anh đã lâu, nhưng chưa từng thấy anh than mệt hay vất vả, chỉ thấy anh luôn tràn đầy năng lượng. Có lẽ, chính niềm tin vững chắc vào Thánh Mẫu đã soi rọi, dẫn dắt anh trên con đường gìn giữ và phát huy giá trị tâm linh của đền Rừng; cân bằng hài hoà giữa đạo và đời.
Nói đến đây, tôi sực nhớ đến bốn câu thơ chúc Tết của anh vừa qua, đăng trên mạng xã hội, được nhiều người yêu thích:
“Lộc đền Rừng không bao giờ hết
Phúc đức đền Rừng còn mãi với thời gian
Đến với đền Rừng thì hết cơ hàn
Tinh thần thoải mái ngàn lần an vui”.

Những dự định cho một năm mới
Mùa xuân này, đền Rừng đông khách, không chỉ các thanh đồng về hầu Thánh mà lớp trẻ cũng nô nức về đền vãn cảnh, cầu an. Không khí đầu năm rộn ràng, những tiếng chuông ngân, những nén hương trầm quyện vào không gian, mang lại cảm giác linh thiêng mà gần gũi.
Năm nay, nghệ nhân, thủ nhang Hoàng Xuân Mai và Tiểu ban quản lý di tích quyết định tổ chức Lễ Thượng Nguyên, rước nước và tế Thánh - một nghi thức chưa từng có trong lịch sử đền Rừng.
Anh hào hứng chia sẻ: “Lễ hội Thượng Nguyên là một trong những sự kiện quan trọng của đền Rừng, thể hiện lòng tri ân với các bậc tiền nhân, gìn giữ nét đẹp tâm linh lâu đời. Đây là dịp để mỗi người thành tâm dâng lễ, cầu nguyện cho một năm mới an lành, đồng thời hòa mình vào không gian văn hóa đậm bản sắc văn hoá dân tộc”.
Anh tâm sự, chương trình lễ hội dự kiến diễn ra vào ngày 11-12/02/2025 (14-15 tháng Giêng), gồm những nội dung:
14h00 - 17h00 ngày 14 âm lịch: Đội rước nước dưới sông thực hiện nghi lễ lấy nước thiêng, có lực lượng hỗ trợ đảm bảo an toàn. Đội rước nước trên cạn sẽ đưa nước từ bến sông về đền.
Ngày 12/02/2025 (15 tháng Giêng) - Tế Thánh:
07h00 - 08h30: Cúng Thánh
08h30 - 09h30: Đội tế nam và chương trình văn nghệ
09h30 - 10h30: Đội dâng hương nữ
10h30 - 11h00: Thụ lộc (30 mâm)
14h00 - 17h00: Thủ nhang hầu Thánh
17h30: Kết thúc lễ hội.
Đến nay, đền đã hoàn thiện 90% khu vực bến sông, trồng thêm nhiều cây xanh, hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây”. Ngoài ra, anh đã lên kế hoạch tổ chức lễ chúc thọ cho hơn một trăm cụ cao niên trong làng vào ngày mồng 9 và 12 âm lịch tháng này, góp phần gìn giữ truyền thống văn hoá “kính lão đắc thọ”; cũng như tinh thần "tương thân, tương ái", “lá lành đùm lá rách” qua các hoạt động từ thiện anh đã và đang làm.

Lời chúc năm mới tại đền Rừng
Trước khi rời đi, tôi vào nhà thờ tổ, nhâm nhi chén trà đầu năm cùng nghệ nhân, thủ nhang Hoàng Xuân Mai. Anh mừng tuổi tôi phong lì xì đỏ, kèm 5 chiếc bật lửa - 3 xanh, 2 đỏ - in dòng chữ “Đền Rừng - Lộc Chúa Bà”. Anh nói: “Màu xanh là màu của Chúa Bà”. Nhưng, sao lại là 3 chiếc bật lửa xanh? Con số 3 - Tôi hiểu đó là Mẫu - Tam Tòa Thánh Mẫu.
Hoan hỷ nhận quà, tôi chúc anh luôn vui khoẻ, hạnh phúc, nhất tâm với tín ngưỡng dân tộc. Chúc đơn giản vậy thôi, vì tôi biết anh không cần gì hơn.
Được nhận lộc đầu xuân, tôi tin rằng đây sẽ là một năm may mắn, an lành với mình và gia đình.
Rời đền Rừng, tôi mang theo lòng hân hoan và niềm tin vào những điều tốt đẹp. Một mùa xuân mới đã về, một đền Rừng ngày càng uy linh, tố hảo đang vươn mình tỏa sáng giữa đất trời Thăng Long.