Ký sự văn hoá hầu đồng: Gặp gỡ Nghệ nhân Trần Văn Hải tại xứ Lạng đầu xuân

Những ngày đầu xuân, cái rét ngọt ôm trọn không gian Liên hoan diễn xướng Chầu văn tỉnh Lạng Sơn mở rộng năm 2025. Mưa bụi giăng giăng trên những con đường dẫn về đền Cửa Đông – nơi thờ Quan Lớn Đệ Tam. Giữa hàng trăm nghệ nhân, thanh đồng từ khắp nơi tề tựu, tôi bắt gặp anh Trần Văn Hải – một thanh đồng đã có cho mình hơn hai thập kỷ gắn bó với tín ngưỡng thờ Mẫu.
img-7176-1740645199.jpeg
Nghệ nhân Trần Văn Hải thành tâm bái yết tại đền Cửa Đông

Giữa khung cảnh rộn ràng, anh Hải không vội vã, không phô trương, chỉ lặng lẽ dâng nén hương thành kính, bái yết từng cung sở trong đền Cửa Đông – sự điềm đạm hiếm có ở một thanh đồng trẻ. Anh làm mọi thứ thật nhẹ nhàng, tự nhiên tựa hơi thở, như thể tín ngưỡng đã trở thành một phần máu thịt của mình.

Trò chuyện sau cánh gà sự kiện, đôi bàn tay anh đan chặt vào nhau, tím lại vì cái rét xứ Lạng. Anh em chúng tôi tâm sự về cuộc sống, về tín ngưỡng và những trăn trở trong lòng. Tôi sực nhớ lại, lần mà anh kể tôi nghe về chặng đường của mình. Anh bén duyên với tín ngưỡng thờ Mẫu từ năm 2001, khi mới là một cậu bé háo hức theo chân đồng thầy dự hầu. “Lúc đó tôi chỉ thấy đẹp, thấy hay, nhưng càng đi sâu, tôi càng thấy mình có trách nhiệm với Di sản này”, anh từng nói.

Từ những ngày đầu bỡ ngỡ, anh Hải đã miệt mài học hỏi, ghi nhớ từng nghi thức, từng cách hành lễ sao cho đúng phép tắc. Không chỉ dừng lại ở việc thực hành, anh còn chủ động tìm hiểu các chính sách, quy định của nhà nước về bảo vệ di sản. “Muốn bảo tồn được thì không thể chỉ dựa vào đam mê, mà phải có hiểu biết, có trách nhiệm”, anh chia sẻ với tôi như vậy.

dsc06487-1740645041.jpeg
Nghệ nhân Trần Văn Hải (bìa phải) khiêm nhường trọn cho mình góc nhỏ tại sự kiện

Hơn hai mươi năm qua, anh rong ruổi khắp các đền phủ từ Bắc vào Nam, tham gia hàng chục hội thảo, tọa đàm, giao lưu thực hành tín ngưỡng. Từ Phủ Dầy (Nam Định), đền Bảo Hà (Lào Cai), đến đền Củi (Nghệ An), đền Sòng Sơn (Thanh Hóa)… đâu đâu cũng in dấu chân anh. Anh không chỉ là một thanh đồng, mà còn là người kết nối cộng đồng, truyền dạy cho thế hệ trẻ để giữ gìn nếp xưa.

Năm 2016, khi UNESCO vinh danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, anh Hải càng thấy rõ trách nhiệm của mình. Anh gia nhập các tổ chức văn hóa, tham gia thành lập Chi hội Di sản Văn hóa huyện Giao Thủy, rồi được bầu làm Chủ tịch Chi hội. Trên cương vị mới, anh không chỉ thực hành mà còn tích cực tổ chức các hoạt động bảo tồn, lan tỏa sâu rộng nét đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu đến cộng đồng.

Một trong những dấu ấn lớn nhất của anh là việc đóng góp gần hai tỷ đồng để tu bổ Đền Ba Giáp tại Hải Hậu (Nam Định). Ngôi đền hơn 200 năm tuổi, từng bị xuống cấp nghiêm trọng, nhờ tâm huyết của anh và cộng đồng, nay đã khang trang, trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng cho người dân địa phương.

“Bảo tồn di sản không chỉ là giữ gìn nghi lễ, mà còn là chăm sóc những nơi thờ tự, gìn giữ không gian văn hóa để thế hệ sau vẫn có nơi mà hướng về”, anh đã từng tâm huyết như vậy đó.

Ngoài việc hành đạo, anh Hải còn chú trọng vào công tác truyền dạy. Anh tích cực tham gia các buổi tọa đàm, hội thảo, giảng dạy về nghi lễ thờ Mẫu cho thanh đồng trẻ. Anh hiểu rằng, nếu không có lớp người kế cận, di sản sẽ mai một theo thời gian.

“Trước đây, tôi học được từ đồng thầy, từ các bậc tiền bối, giờ đến lượt tôi phải truyền lại”, tôi vẫn nhớ những lời này của anh. Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hành đúng chuẩn mực, tránh những biến tướng làm sai lệch giá trị gốc của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Bỗng tiếng MC vang lên, sự kiện bắt đầu. Câu chuyện của anh em chúng tôi tạm gác lại. Anh từ tốn quay trở ra sự kiện, chọn cho mình góc cuối hàng ghế danh dự, nhường ghế cho lãnh đạo tỉnh, sở, ban ngành và thanh đồng lớn tuổi.

Mưa phùn lất phất bay phủ kín quang cảnh sự kiện ngoài trời, nhưng không ngăn nổi tình yêu của BTC và các thanh đồng dành cho tín ngưỡng.

Trời xứ Lạng vẫn rét căm căm, nhưng khi hồi tưởng lại câu chuyện của anh Hải, tôi cảm nhận được một ngọn lửa ấm áp – ngọn lửa của niềm tin, của tình yêu với tín ngưỡng trong anh.

Sự kiện diễn ra, phóng viên Đài truyền hình tỉnh Lạng Sơn lại gần và hỏi về danh sách thanh đồng tham dự, rồi xin người tiêu biểu để phỏng vấn. Chưa kịp đề cử ai, một chị nói: “Trần Văn Hải Chủ tịch Chi hội Di sản Văn hóa huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định; Thủ nhang Bản điện Cửu Tỉnh Vọng Từ và Đền Ba Giáp, được không em?” Tôi cười nhẹ và nói: “chị thật tài tình”.

Ghé tai anh Hải, tôi kể chuyện này, anh tủm cười rồi cảm ơn. Anh vẫn vậy, cứ điềm đạm thế thôi.

Lễ khai mạc kết thúc, anh vội vàng lên xe, để đi lễ các điểm đền trong tỉnh Lạng Sơn. Còn tôi thì quay lại tiếp tục sự kiện. Anh em tôi hẹn ngày gặp lại. Khoảng 30 phút sau, tôi sực nhớ ra, nhà đài chưa phỏng vấn anh. Tôi, phóng viên đài và anh Hải đều ngớ ra. Thật tiếc.

img-7177-1740646193.jpeg
Nghệ nhân Trần Văn Hải thường xuyên tổ chức cho bản hội đi lễ hành hương

Sau sự kiện, tôi điện cho anh, để lắng nghe những chia sẻ và góp ý về chương trình.

Anh nhận xét, Liên hoan Diễn xướng Chầu văn tỉnh Lạng Sơn mở rộng năm 2025, là một chương trình ý nghĩa dịp đầu xuân, khi các hoạt động tín ngưỡng diễn ra sôi nổi. Sự kiện không chỉ góp phần quảng bá du lịch, mà còn tạo dấu ấn quan trọng đối với du khách và những người hành hương về miền đất tâm linh.

Anh cho rằng, chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn đứng ra tổ chức, điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới di sản tín ngưỡng thờ Mẫu. Đây cũng là cơ hội để nghệ nhân giao lưu, thực hành nghi thức bài bản, góp phần lan tỏa giá trị di sản đến cộng đồng.

Về công tác tổ chức bài bản, chương trình diễn ra thành công tốt đẹp, tạo tiếng vang trong cộng đồng. Sự chuẩn bị chu đáo từ nghi lễ, trang trí đến không gian hầu đồng giúp các nghi thức được thực hành trang trọng, đúng truyền thống, góp phần nâng cao giá trị của sự kiện.

Anh luôn khéo léo và động viên như vậy đó!

Hành trình hơn hai mươi năm của anh không phải là những ồn ào, hào nhoáng, mà là những bước chân âm thầm, bền bỉ, lặng lẽ gìn giữ và lan tỏa di sản. Trong dòng chảy không ngừng của thời gian, những người như Hải chính là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, để tín ngưỡng thờ Mẫu mãi mãi trường tồn.