
Ngày 15/4 vừa qua, tại vùng quê Ba Vì, cái nắng mới vắt vàng trên các nẻo đường, Nghệ nhân Hoàng Xuân Mai cùng các cộng sự thực hiện hành trình trao 22 suất học bổng “Tuệ Giác” cho những học sinh nghèo hiếu học và phát tặng 548 suất cơm đến bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện.
Không đèn sân khấu, không micro hào nhoáng, chỉ có bàn tay cặm cụi chuẩn bị từng suất cơm, đôi mắt lặng lẽ dõi theo từng bước chân em nhỏ, từng cử chỉ gật đầu cảm tạ từ người bệnh. Ở đó, ta không thấy một “nghệ nhân” với danh xưng, mà là một người đang sống trọn với chữ “thiện” trong tinh thần đạo lý cổ truyền.

Nghệ nhân Hoàng Xuân Mai bộc bạch: “Một hộp cơm, một suất học bổng, nếu được trao đi bằng cả tấm lòng thì vẫn có thể chạm tới trái tim người nhận, và để lại sự ấm áp lâu dài.” Ẩn sau câu nói giản dị ấy là một nhận thức sâu sắc về văn hóa tâm linh không chỉ dừng ở nghi lễ – mà là sự tiếp nối mạch nguồn nhân ái dân tộc.
Từ những phần lộc – gạo, muối, dầu ăn, mì chính… mà đồng đạo, tín chủ gửi biếu Nghệ nhân Hoàng Xuân Mai, ông đều gom góp, công đức cho Chùa Đông Các Tự nấu cơm thiện nguyện. Hoa quả thì mang biếu dân làng quanh khu vực đền như một cách chia sẻ “lộc phúc”.
Trong từng hạt gạo, ông gửi vào đó cả tâm nguyện: giúp người yếu thế có thêm niềm tin, giúp những đứa trẻ nghèo có thêm một trang vở, một giấc mơ không dở dang vì thiếu thốn.

Là Thủ nhang, ông giữ đền không chỉ bằng nhang khói hay kinh kệ, mà bằng chính hành động sống đạo: giúp người, truyền lửa. Bởi với ông, một không gian linh thiêng không thể chỉ tồn tại bằng tường gạch ngói, mà phải có lòng người – có trái tim biết sẻ chia, có hành động biết yêu thương.
Trong thời hiện đại, khi đời sống tâm linh đôi khi được hiểu chưa đủ thành hình thức lễ bái đơn thuần, thì những cá nhân như Nghệ nhân Hoàng Xuân Mai lại càng trở nên quý hiếm. Những người như ông, là hiện thân của một thứ văn hóa đang cần được gìn giữ: văn hóa của lòng từ, lòng bi – không chỉ trong lời nguyện cầu, mà trong từng suất cơm, từng hành động tử tế không đợi báo đáp.
Chúng ta vẫn thường nói về những “hạt giống tâm hồn”. Nghệ nhân Hoàng Xuân Mai không gieo bằng diễn ngôn. Ông gieo bằng tay, bằng lòng – bằng chính đôi chân đi đến những nơi cần nhất. Và cũng như ánh nến trong Đền Rừng chưa từng lụi tắt, ngọn lửa nhân ái mà ông thắp lên qua những việc làm lặng thầm ấy, sẽ còn cháy mãi – trong lòng người, và trong văn hóa dân tộc.