
1. “Hình như tôi mắc nợ đời / Bâng khuâng thì nhớ rối bời hại quên”; là hai câu trong bài thơ ngắn “Nợ” của nhà thơ Đỗ Chiến Thắng. Đã là văn nhân nói chung, nhà thơ nói riêng, bước vào văn chương là do “nợ” gì đó, trước hết, “nợ chính mình”, không viết ra tâm không yên.
Đỗ Chiến Thắng sinh ra, lớn lên ở một làng quê thuộc Tiền Hải, Thái Bình. Làng quê, ruộng đồng, bờ đê, con sông, bãi bồi, sú vẹt, cánh diều nơi làng quê... “đầm đìa” trong thơ ông. Tuổi thơ gian nan, nghèo đói; hình ảnh bố mẹ, những mảnh đời, phận người mà ông chứng kiến luôn trĩu nặng trong tâm hồn.
“Tôi chạy trên cánh đồng làng / Trượt qua tuổi thơ đánh khăng đánh đáo / Giáp hạt tháng ba ngày không gạo / Mẹ về nhập nhoạng bóng hoàng hôn”, (Hồn quê).
“Đê gầy sạt lở bờ sông / Con ngòi trong đục cạn dòng quê xa / Gió như hờn dỗi nỗi nhà / Thổi nghiêng giông bão mưa sa dập vùi”, (Cảm quê).
Hương cỏ là tên một bài thơ trong tập thơ mới nhất của Đỗ Chiến Thắng. Bài thơ chỉ có bốn câu: “Chú trâu càng nghiêng xuống miền cỏ dại / Bỏ quên chiều sâm sấp đang rơi / Hương ngai ngái mà sao thơm đến vậy / Vịn bóng chiều chầm chậm rơi rơi”, là sự xác tín gốc gác. Chỉ những người sinh ra ở quê, lấm láp với bờ đê thảm cỏ mới thốt lên được “hương ngai ngái mà sao thơm đến vậy”.
Quê là khoảng trời ký ức của mỗi con người. Càng lớn tuổi, ký ức càng bật dậy. “Nhón tay bắt chú chuồn chuồn / Chuồn bay chạm phải nỗi buồn vu vơ”, (Vu vơ). Đứa trẻ nào ở quê không có những ngày nheo mắt, nín thở bắt chuồn chuồn lúc nó đậu trên lá ngô, cành đậu, không “đuổi bướm cầu ao”? Chắc chắn đó là những năm tháng thần tiên.
Phàm là con người được sinh ra ở cõi đời, hẳn nhiên nợ nhiều thứ lắm. Nợ chủ ý và nợ không chủ ý. Phật dạy rằng, ở đời có 4 thứ không nên nợ, đó là tiền bạc, là trách nhiệm, là ân tình và thời gian. Biết vậy, nhưng ai tránh được, nhất là trách nhiệm và ân tình.
Đỗ Chiến Thắng có bài thơ Đòi khá thú vị: “Đòi em trả lại tuổi xuân / Đòi em cái thuở bần thần hờn ghen / Trói anh bằng nút lạt mềm / Lá thời gian rụng đầy thềm úa xanh”. Sau cái lành quê ấy, lớn lên nam thanh nữ tú, mấy ai không nợ cái “bần thần”. Và khi “bị đòi”, nhân vật “em” trả nhân vật “anh” bằng cái gì? “Trả anh cái kiếp đàn bà / Tìm thời thiếu nữ đã qua lâu rồi / Chân run tóc bạc da mồi / Tuổi xuân qua. Hỏi ai đòi? Đòi ai?”.

Nợ một lời hứa tuổi dậy thì, khi tâm hồn biết lao xao trước mùa về, biết rung cảm trước vẻ đẹp của người bạn thôn nữ, mấy ai không nợ? Tình yêu sau lũy tre làng, trong thơ Đỗ Chiến Thắng là không gian bốn mùa nhuốm đầy cỏ hoa, ngập tràn thế giới màu sắc, thế giới mùi vị, thế giới âm thanh. “Bắt đền ai rót tiếng ve / Để hoa phượng rực đỏ hoe cả trời”, (Trách).
“Thu đi ai luyến tiếc không / Em đi lấy chồng bỏ mặc heo may / Giọt sương mắc cạn đắm say / Nụ cười vấp ngã vơi đầy hoàng hôn”, (Vơi đầy). Vì “nợ” tình, đã có lúc nhà thơ Đỗ Chiến Thắng nghĩ đến “Thôi trả lại nhau mối tình đầu một thuở / Đêm cô đơn trằn trọc nỗi giận hờn”, (Trả lại cho nhau).
Đỗ Chiến Thắng sống mang nặng ân tình, luôn suy nghĩ về báo hiếu. Trong dòng cảm thức ấy, có ân tình với quê hương, nơi nuôi dưỡng tâm hồn, có trắc ẩn thiêng liêng với công sinh thành, dâng hiến của song thân. Có lẽ vì thế, ông viết khá nhiều về người thân, trước hết là bố, mẹ.
“Mẹ ơi xuân đã về rồi / Trang thơ con vọng những lời mẹ ru / Mẹ đi vàng héo mùa thu / Cánh cò gãy giữa âm u mưa chiều”, (Ngày xuân nhớ mẹ). Thường những người con khi bố mẹ không còn mới giật mình hối lỗi. Có thể do ham chơi, trốn học....có thể chưa báo hiếu công sinh thành dưỡng dục. Vì thế mà “Nắng mưa xối vẹt xuân thì / Lời ru mẹ lặng thầm thì trắng đêm / Nén hương khói quện nỗi niềm”.
Khi đọc những bài thơ về mẹ của Đỗ Chiến Thắng, trong đó có những câu thơ ám ảnh này, tôi nhớ câu thơ khuyết danh đã thành thông điệp: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không…”.
Bà mẹ sinh thành nhà thơ Đỗ Chiến Thắng và bà mẹ trong bài thơ trở thành ẩn dụ chung bao bà mẹ, rộng ra là mẹ đất nước. Mẹ của thời gian khó, hy sinh thầm lặng, dâng hiến người chồng, giot máu của mình cho Tổ quốcc: “Bao năm dằng dặng mỏi mòn / Cha đi bộ đội nước non mong chờ / Đạn thù bắn nát giấc mơ / Một mình mẹ nén bơ phờ nỗi đau”, (Cỏ non mộ mẹ).
Trong thi ca, mẹ cũng là quê hương, ở quê hương có mẹ và ngược lại; “Nắng mưa mái tóc pha sương / Lời ru mẹ vẫn dẫn đường con đi”, (Lời ru).
2. Hiện thực đời sống khúc xạ qua tâm hồn thi sỹ trở thành hiện thực nghệ thuật. Tất cả vui buồn, số phận với tất cả thăng trầm ám ảnh, bước vào thơ Đỗ Chiến Thắng thành không gian, thời gian nghệ thuật.
Đỗ Chiến Thắng có “thế mạnh” về thơ truyền thống. Dẫu trong thơ ông sử dụng nhiều thi pháp, có thơ ngắn, thơ dài, có tứ tuyệt, lục bát và thơ tự do; nhưng nhuần nhị hơn cả, uyển chuyển hơn cả vẫn là những bài thơ lục bát.
Về mặt này, nhà thơ Nguyễn Thế Kiên, từng nhận xét rằng: “Đỗ Chiến Thắng đã thử cân mình trong nhiều thể loại thơ, nhưng hình như chút ít năng khiếu thơ ca trời cho ông chỉ nằm ở lục bát, hoặc đâu đó những thể thơ truyền thống có vần, có nhịp. Còn cái tự do, phát cách, phá thể....hình như nó mới quá, nó là sở đoản thơ của ông.”.
Người Việt sở hữu “vùng văn hóa” của thi ca. Vậy nên trong đời, phần đông đều làm được vài câu thơ (dù là vần vè), nên dễ bị đánh lừa, dễ như làm thơ. Thật ra, thơ vô cùng khó; nói như cố nhà thơ Xuân Diệu: “Thơ là bà chúa của nghệ thuật”. Về thơ lục bát của Đỗ Chiến Thắng, đọc kỹ ngoài những khổ thơ, câu thơ dụng công, còn có những câu thơ “trời cho”.
“Mùa thu rụng xuống hao gầy / Tự tình ôm bóng heo may trái mùa”, (Trái mùa). “Heo may trái mùa”, thi ảnh đầy chất thơ của Đỗ Chiến Thắng. “Bước qua vườn tím hoa cà / Bâng khuâng rụng những nụ hoa...lặng thầm”, (Vời xa), ông có nhiều câu thơ, thi ảnh thể hiện quan sát tinh thế, biểu tượng ngôn ngữ mới lạ.

Thơ Đỗ Chiến Thắng đa dạng về đề tài, có trữ tình, có thế sự, có đề tài người lính và chiến tranh cách mạng. Ông đã đi đến nhiều vùng đất của đất nước, đến đâu, tâm hồn thi sỹ của ông cũng ngân rung. Có thể đó là những rung động về vẻ đẹp của đất nước, có thể đó là những ám ảnh từ quá khứ, thân phận.
Trong “bản đồ” cảm xúc ràng rịt ấy, mảng thơ về Hà Nội, khá ấn tượng. Bài thơ “Tổ chim trên mái Hoàng Thành”, là bài thơ đặc biệt. Nhà thơ quan sát chim chồng, chim vợ cùng nhau đắp xây hạnh phúc: “Đôi chim sẻ làm tổ mái Hoàng Thành / Cần mẫn tha về từng cọng rác / Đặt dọc đan ngang xinh như nốt nhạc / Hạnh phúc đơn sơ tựa mái vương triều”.
Nhìn thấy đôi chim xây tổ, chỉ có nhà thơ mới giàu liên tưởng, bật lên câu hỏi: “Cành que nào nhặt từ phía Ngọ Môn / Cọng rơm nào tha từ Đàn Xã tắc / Chiếc lá cây cạnh vết súng thù lõm sâu thành Cửa Bắc / Sợi vải này từ giải mũ Tổng đốc Nguyễn Tri Phương?”
“Cánh chim bay ngang trang sử Việt / Kêu chi hoài chiêm chiếp tiếng chim non / Cây Hoàng Lan lọc sợi nắng chín giòn / Bóng xuống vườn nơi ông cha nghĩ suy giữ nước”, (Tổ chim trên mái Hoàng Thành)
Bài thơ có 5 khổ nhưng đến khổ thứ ba này bật lên vẻ đẹp của tư tưởng thơ. Ông còn một số bài thơ như Mưa Phố Phái, Hồ Gươm thu, Thăm chùa Thầy...lắng đọng nỗi niềm Hà Nội.
Rời quê hương, nơi có “Tiếng trống năm ba mươi”, Đỗ Chiến Thắng lên Hà Nội học Đại học Xây dựng. Trở thành kỹ sư ở thời miền Bắc xây dựng Chủ nghĩa xã hội, sau Đại hội III của Đảng, bàn chân ông rong ruổi trên các công trình trọng điểm của nhà nươc, cho đến lúc nghỉ hưu.
Thời gian ông sống ở Hà Nội, với “mười hai mùa hoa” như tên một nhạc phẩm của nhạc sỹ Giáng Son dài hơn thời gian ở quê, hẳn nhiên ông có nhiều nỗi niềm người phố, thi nhân phố.
Đọc các tác phẩm của Đỗ Chiến Thắng, dễ phát hiện ra “nợ” là từ khóa cảm xúc của ông. Nhà thơ là người chung tình, ngay trong đời sống vợ chồng. Những năm gần đây, người vợ tào khang của ông bệnh nặng, Đỗ Chiến Thắng trở thành “điều dưỡng viên”. Ông chăm cũng gần như để trả “nợ duyên”, “nợ nghĩa”. Ông luôn tự hỏi: “Nợ em thôi nợ mãi / Kiếp này rồi kiếp sau / Biết lấy gì trả được / Tuổi xuân em sắc màu”, (Nợ em).
Thơ của một người biết luôn biết mang nợ, hẳn nhiên sẽ là thơ mang đến vẻ đẹp tử tế./.