
Tôi gặp nhà báo Vũ Đảo lần đầu tại Tiểu ban Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ, trực thuộc Ban Tuyên huấn Khu V - nơi chúng tôi cùng công tác trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khi ấy, ông vừa được điều động từ tỉnh Khánh Hòa ra, nhận nhiệm vụ phụ trách Tiểu ban Thông tấn.
Chiến trường Khu V khốc liệt, gian nan, việc tạo các mối quan hệ với các cơ quan bạn để có nguồn thông tin là rất quan trọng. Có lần, ông viết trong thư gửi cho tôi, khi tôi đang công tác tại Bình Định: “Tết năm nay ở nhà tổ chức tốt và vui hơn năm ngoái về vật chất cũng như về tinh thần... Mình cũng đi chúc Tết khối dân vận, binh vận, đấu tranh chính trị cũng nhằm gây quan hệ lâu dài.
Một kỷ niệm mà tôi không thể nào quên - đó là chuyến hành quân gian khổ của ông từ Khánh Hòa ra Ban Tuyên huấn Khu, lúc đó đóng ở Quảng Nam. Giữa chặng đường rừng dài, đôi dép ông mang rớt mất, đường trơn dốc lại đầy đá sỏi. Thế là ông lấy vải bó chặt đôi chân để tiếp tục cuốc bộ hàng chục cây số. Có hôm đi đến xẩm tối mới tới được nơi nghỉ chân, bàn chân rộp lên, rớm máu, bụng đói meo - nhưng ông vẫn giữ được nét mặt bình thản, nụ cười hồn hậu. Trong chiến tranh, những điều như thế tưởng chừng nhỏ nhoi, nhưng lại chính là minh chứng chân thật nhất cho tinh thần kiên cường, ý chí sắt đá và tình đồng đội không gì lay chuyển.
Trong điều kiện liên lạc khó khăn, mỗi khi có thư từ miền Bắc gửi vào mà anh em vẫn còn đang đi công tác, với sự đồng thuận của tập thể, ông Vũ Đảo sẽ thay mặt mọi người bóc thư, đọc kỹ rồi tóm tắt nội dung gửi lại. Việc làm ấy vừa thiết thực, vừa chu đáo - bởi nếu nhờ chuyển thư gốc trong hành trình vận chuyển đầy trắc trở, rất dễ bị thất lạc.
Năm 1972, sức khỏe ông suy yếu. Sau nhiều năm lăn lộn trong rừng núi Khu V, ông được rút ra Bắc. Dẫu rời chiến trường, nhưng cái tên Vũ Đảo mãi là một phần trong ký ức của chúng tôi - những người ở lại tiếp tục hành trình gian nan ấy.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở về làm công tác biên tập tại Tổng xã Thông tấn, đảm nhiệm nhiều trọng trách như Trưởng Tiểu ban Công Thương, Phó Trưởng ban Biên tập Tin Trong nước, rồi Phó Giám đốc Trường Nghiệp vụ Thông tấn. Dù ở cương vị nào, ông vẫn giữ lối sống giản dị, khiêm nhường, luôn chăm lo công việc chung. Những người trẻ vào nghề luôn tìm thấy ở ông sự dẫn dắt ân cần và tinh thần cống hiến lặng lẽ, không đòi hỏi.
Khi đã nghỉ hưu, ông vẫn không ngơi nghỉ. Tôi từng gặp lại ông trong những ngày ông âm thầm rà soát bản thảo báo Tuần Tin Tức, đôi mắt đã mờ nhưng vẫn không bỏ sót lỗi nhỏ nào.
Thỉnh thoảng, anh em Tuyên huấn khu V thời chiến có buổi gặp mặt, ông Vũ Đảo dù tuổi cao, sức yếu, vẫn nhờ con cháu đưa đến gặp gỡ anh em. Có lần, ông đem theo tặng tôi hai tấm ảnh phóng to, đó là ảnh mà ông đã chụp cùng tôi và mấy anh em khác tại Dốc Voi, căn cứ khu V, vào năm 1972.

Có lẽ, cuộc đời nhà báo Vũ Đảo không có những tiếng vang ồn ào, không được in ảnh chân dung lớn trên các tờ báo hay diễn đàn lớn. Nhưng ông là ngọn đèn lặng lẽ cháy trong rừng sâu, soi đường cho lớp lớp đồng chí bước tiếp. Ông để lại một Di sản quý báu không chỉ là những bài viết, những bản tin, mà là nhân cách - thứ không dễ gì lặp lại.
Vĩnh biệt ông - nhà báo Vũ Đảo! Ông ra đi, nhưng tên ông, ký ức về ông sẽ mãi sống trong lòng đồng đội, trong những câu chuyện kể lại cho thế hệ sau. Ông là một phần của lịch sử Thông tấn xã Việt Nam, và mãi mãi là người con ưu tú của chiến trường Khu V.