Bãi rác thực phẩm giả: Cuộc tháo chạy của lương tri

Giữa những con phố, những cánh đồng quê tưởng chừng bình yên, lại âm thầm hiện ra những bãi rác kỳ lạ: không phải là rác sinh hoạt, nhựa hay phế thải khác, mà là hàng vạn hộp thực phẩm chức năng, thuốc men, bao bì sặc sỡ, vừa mới hôm qua còn đang nằm trong tay người tiêu dùng như một “món quà sức khỏe”. Giờ đây, chúng nằm ngổn ngang, bị vứt bỏ trong hoảng loạn, như thể một tội ác đang cố vùi lấp dấu vết cuối cùng.

img-2362-1750400539.jpeg
Bãi rác thực phẩm giả. Ảnh: Facebook

Những hình ảnh đó liên tục xuất hiện trên mạng xã hội, khiến ta lặng người, không chỉ vì những viên thuốc, hộp sữa giả, mà bởi vì đó là một cuộc tháo chạy khẩn cấp của lương tri trước pháp luật.

Không ai bỗng dưng đem những mặt hàng đắt tiền, còn mới nguyên đi tiêu hủy, nếu không biết rõ rằng đó là hàng giả, hàng nhái, hàng độc hại. Không ai vội vã đổ bỏ từng xe thuốc bổ xuống bãi đất, nếu không đang cố trốn tránh sự trừng phạt. Điều đáng sợ hơn cả là: người ta sợ bị bắt hơn là sợ gây hại. Sợ pháp luật, chứ không còn biết xấu hổ, hay sợ hậu quả của việc đẩy đồng bào vào bệnh tật, thậm chí cái chết.

Nhưng điều đáng sợ hơn cả là những sản phẩm ấy hoàn toàn có thể quay lại thị trường. Khi vứt bỏ không đúng cách, không có giám sát chặt, chẳng ai đảm bảo những viên thuốc không được nhặt lên, phân loại lại, rồi một ngày nào đó, trở lại trong chiếc hộp mới, như thể chưa từng dính bùn nhơ.

Một vòng lặp bệnh hoạn, mà nạn nhân vẫn là những người bệnh nghèo, những bà mẹ mua thực phẩm tăng cân cho con, những ông lão tin vào viên thuốc bổ thận tráng dương, xương khớp mua ngoài chợ mạng.

img-2367-1750400755.jpeg
Thực phẩm giả, thuốc giả được đổ la liệt. Ảnh: Facebook

Ở góc nhìn sâu xa hơn, đây không chỉ là một câu chuyện về pháp luật và thị trường, mà còn là một câu chuyện về sự rạn nứt của đạo đức, về khoảng trống trong giáo dục tiêu dùng, và trên hết về sự tha hoá của lòng tin. Khi người bán không còn nghĩ đến người mua như một đồng bào cần bảo vệ, mà như “khách hàng” có thể bị lừa, thì xã hội ấy đã mất đi chất keo văn hóa từng giữ chặt cộng đồng suốt bao đời.

Ta không thể đổ hết lỗi cho vài cá nhân. Một xã hội vẫn thờ ơ với hàng nội, sính ngoại, thiếu kỹ năng nhận biết thật – giả, chính là môi trường béo bở cho gian thương sinh sôi. Nhưng trách nhiệm không chia đều. Nó nặng nề đặt trên vai những người có quyền lực và ảnh hưởng đến ý thức xã hội, từ nhà quản lý, người quảng bá, thầy thuốc, người nổi tiếng… đến chính người tiêu dùng mỗi ngày bấm nút mua hàng.

Khi những bãi rác thực phẩm giả mọc lên như nấm sau mưa, đó không chỉ là rác vật chất, mà còn là rác đạo đức, rác niềm tin.

Dọn sạch chúng không chỉ cần xe rác và lửa đốt. Mà cần ánh sáng từ nhận thức, ngọn lửa từ lương tâm, và hành động từ những người còn biết đau trước nỗi đau của người khác.

Nếu một xã hội để mặc cho những thứ giả chảy vào mạch máu người dân, thì đó là một cái chết âm thầm nhưng bền bỉ, không cần đến chiến tranh. Nó đến từ chính sự vô cảm, từ cuộc tháo chạy nhục nhã của lương tri. Và lúc ấy, điều cần tiêu huỷ không phải là hàng giả, mà là chính sự vô cảm của con người với nhau.