Chân dung nhà báo Bình An. Ảnh NVCC
Tôi tiến đến, mở lời chào, anh ngước lên cười hiền rồi chỉ vào sân khấu:
- Những hội thảo như thế này luôn có nhiều thứ đáng để suy ngẫm.
Người làm báo không thích ồn ào
Bình An không giống phần đông những người làm truyền thông mà tôi từng gặp. Không rượu, không chè, không thuốc, cũng chẳng thích tụ tập chốn đông người. Xong công việc, anh thường về ngay với gia đình. Nếu có khoảng thời gian riêng, anh thích lặng lẽ chạy Vespa dạo quanh những con phố cũ, ngắm nhìn dòng người qua lại và suy ngẫm về cuộc đời và những dự định còn dang dở.
Với hơn một thập kỷ theo nghề báo, anh không chỉ viết tin tức mà còn ghi chép lại những câu chuyện về tín ngưỡng thờ Mẫu, nghi lễ hầu đồng, văn hóa dân gian. Anh từng giữ nhiều vị trí quan trọng như Phó Trưởng ban Thông tin Truyền thông Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam (VATA), Trưởng Ban Thư ký Viện Nghiên cứu và Phát triển Đạo Mẫu Việt Nam. Những năm tháng làm việc trong môi trường nghiên cứu giúp anh có cái nhìn sâu sắc hơn về các giá trị văn hóa truyền thống.
Hiện tại, Bình An là phóng viên Tạp chí Văn hóa và Phát triển (vanhoavaphattrien.vn), đồng thời là người quản lý nội dung kênh Văn hoá và Hội nhập (vanhoavahoinhap.com) (trước đó là Văn hoá Ngày nay). Nhưng dù ở vị trí nào, anh vẫn giữ phong thái giản dị, mộc mạc. Không bon chen, không chạy theo sự ồn ào của mạng xã hội hay thị trường truyền thông, anh chỉ chuyên tâm làm công việc mình tin là có ý nghĩa.
Viết báo, viết sách, giữ hồn cốt văn hóa
Dù bận rộn với công việc báo chí, Bình An vẫn dành thời gian viết sách. Anh vừa hoàn thiện bản thảo cuốn “Chuyện làng Nọ, thôn Yên”, và sắp ra mắt “Ký sự văn hóa hầu đồng” – một tập sách ghi chép về những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ với các thanh đồng, các cung văn, những người lặng thầm giữ gìn Di sản tín ngưỡng.
Tôi hỏi anh:
- Viết báo đã đủ vất vả rồi, sao anh còn viết sách?
Anh cười:
- Báo chí ghi lại những gì đang diễn ra, còn sách giúp mình kể câu chuyện theo cách của riêng mình. Có những thứ không thể nói hết trong một bài báo, nhưng có thể kể trọn vẹn trong một cuốn sách.
Sống chậm hơn để ngẫm
Ít ai biết rằng, ngoài công việc viết lách, Bình An còn có một thú vui đặc biệt: sưu tầm đồ bao cấp. Những chiếc cốc tráng men, chiếc quạt con cóc, cái đèn dầu cũ, tivi, đài băng… tất cả đều mang lại cho anh một cảm giác khó tả.
Anh thích đồ bao cấp vì điều gì?
- Nó gợi nhớ về một thời đã qua, một thời mà mọi thứ đều giản dị nhưng đầy ý nghĩa.
Có lẽ chính sự hoài cổ ấy khiến anh thích lang thang trên chiếc Vespa, vừa đi vừa suy ngẫm về cuộc đời, về những câu chuyện mình muốn kể. Anh bảo, nhiều ý tưởng hay nhất đến với anh khi đang chạy xe trên những con phố vắng.
Cuộc trò chuyện giữa tôi và Bình An khép lại khi sự kiện bước vào phần trao đổi chính sách. Anh lại rút cuốn sổ nhỏ ra, tiếp tục ghi chép, vẫn với phong thái điềm đạm, trầm lắng.
Bình An không chọn con đường rực rỡ, mà kiên trì với hành trình lặng lẽ lưu giữ những giá trị văn hóa. Anh là kiểu người không cần xuất hiện nhiều, nhưng mỗi bài viết, mỗi cuốn sách của anh sắp ra mắt, có lẽ đều khiến người đọc phải suy ngẫm. Và có lẽ, đó mới là cách một người làm văn hóa thực sự để lại dấu ấn.