Nữ tướng Lê Chân: Văn hóa và những huyền thoại

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, hình ảnh những nữ tướng kiên trung, quả cảm luôn để lại dấu ấn sâu sắc, trong đó có Nữ tướng Lê Chân - một trong những vị nữ anh hùng gắn liền với cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Không chỉ được biết đến với tài thao lược quân sự, bà còn để lại dấu ấn trong văn hóa dân gian qua những huyền thoại và các di tích thờ tự trên khắp miền Bắc nước ta. Cuộc đời và sự nghiệp của bà đã trở thành niềm tự hào của người dân Hải Phòng nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung.

Nữ tướng Lê Chân và những huyền thoại

 Lê Chân sinh ra trong một gia đình lương thiện ở làng Vẻn (An Biên), huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Cha bà là Lê Đạo làm nghề y và dạy học, mẹ là Trần Thị Châu. Vì hiếm muộn, cha mẹ bà đã đến chùa Yên Tử cầu tự và sinh ra bà sau đó.

Ngay từ nhỏ, Lê Chân đã tỏ ra thông minh, tinh thông võ nghệ và có nhan sắc tuyệt trần.

Tuy nhiên, cuộc đời bà gặp nhiều biến cố khi đất nước rơi vào ách đô hộ của nhà Đông Hán. Thái thú Tô Định - một kẻ tham lam và tàn bạo - đã ép bà làm tì thiếp, nhưng bà quyết không khuất phục, trốn về vùng ven biển xứ Đông, khai phá vùng đất mới, lập nên làng An Biên (nay là Hải Phòng).

Sau khi bà bỏ trốn, Tô Định đã giết cha bà.

Từ đó hun đúc trong lòng Lê Chân mối thù sâu nặng, quyết chí rèn luyện binh sĩ, chờ ngày báo thù.

img-7148-1740566171.jpegCuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, năm 40

Năm 40, hưởng ứng lời kêu gọi của Hai Bà Trưng, Lê Chân đem quân gia nhập cuộc khởi nghĩa, lập nhiều chiến công hiển hách.

Sau chiến thắng, Hai Bà Trưng lên ngôi, phong bà chức trưởng quản binh quyền nội bộ, tước hiệu Thanh Chân.

Bà tiếp tục quản lý và phát triển vùng An Biên, xây dựng nơi này trở thành một trung tâm kinh tế - quân sự quan trọng.

img-7149-1740566307.png
Các vị tướng trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Năm 43, nhà Hán cử Mã Viện sang đàn áp khởi nghĩa. Lê Chân cùng các tướng lĩnh quả cảm chống trả nhưng thế giặc quá mạnh.

Khi biết không thể giữ được thành, bà đã chọn cách gieo mình xuống sông Ngân để giữ trọn khí tiết, trở thành biểu tượng của lòng trung trinh và tinh thần bất khuất.

Sau khi mất, người dân An Biên kể lại rằng, bà đã báo mộng, chỉ dẫn nơi rước linh hồn về an vị.

Tục truyền rằng, phiến đá nơi bà hóa thân đã trôi về đền Nghè, và dân làng tôn bà làm Thánh Mẫu, lập đền thờ để ghi nhớ công ơn.

Từ đó, món cua bể và bún - những lễ vật đầu tiên được dâng lên bà - đã trở thành truyền thống trong các ngày giỗ nữ tướng.                   

Nữ tướng Lê Chân trong đời sống văn hóa

Hình ảnh và công lao của nữ tướng Lê Chân đã được ghi nhận qua nhiều di tích lịch sử trên khắp miền Bắc. Hàng loạt ngôi đền mang tên bà được xây dựng tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc… Trong đó, đền Nghè (Hải Phòng) là nơi thờ tự linh thiêng nhất, gắn liền với những huyền thoại về

img-7150-1740566386.jpeg
Đền Nghè thờ Nữ tướng Lê Chân ở Hải Phòng

Bên cạnh đó, người dân còn tổ chức nhiều lễ hội truyền thống để tưởng nhớ nữ tướng.

Lễ hội lớn nhất được tổ chức tại Hải Phòng vào tháng 2 Âm lịch hằng năm, với phần lễ trang nghiêm và phần hội sôi động, tái hiện lại những chiến công của bà. Hội vật, múa lân, diễn xướng dân gian… đều là những nét đẹp văn hóa trong lễ hội này.

img-7151-1740566461.jpeg
Tượng đài Nữ tướng Lê Chân

Tượng đài Lê Chân tại trung tâm thành phố Hải Phòng cũng là một biểu tượng đẹp, thể hiện sự tôn vinh của người dân đối với bà. Tượng bằng đồng đen, sừng sững giữa đô thị sầm uất, như một lời nhắc nhở thế hệ hôm nay về tinh thần kiên cường và lòng yêu nước của vị nữ tướng anh hùng.

Vĩ thanh

Nữ tướng Lê Chân không chỉ là một dũng tướng xuất sắc thời Hai Bà Trưng, mà còn là biểu tượng văn hóa, tinh thần kiên trung của dân tộc Việt Nam. Những huyền thoại về bà, những lễ hội truyền thống cùng các di tích lịch sử vẫn được gìn giữ, minh chứng cho sự tri ân và lòng tôn kính của hậu thế. Tên tuổi của bà mãi mãi khắc sâu trong lịch sử, là niềm tự hào của bao thế hệ người dân đất Việt.

Là một công dân sống và làm việc tại quận Lê Chân - nơi mang tên vị nữ tướng vĩ đại, tôi không khỏi tự hào về tấm gương trung liệt của bà. Mỗi lần đi qua tượng đài Lê Chân hay tham dự các lễ hội truyền thống, tôi lại cảm nhận sâu sắc hơn về lòng yêu nước, sự kiên trung của cha ông. Những giá trị mà bà để lại không chỉ là niềm tự hào của riêng người dân Hải Phòng, mà còn là bài học quý báu về lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam.