Một chiều đầu Xuân ở Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Chiều Xuân Ất Tỵ 2025, trời se lạnh, cơn gió đầu mùa mỏng tang vội vàng nối đuôi nhau lướt qua những nhành lá non mơn mởn, cuốn theo mùi hương trầm phảng phất từ các nếp nhà. Tôi ghé thăm Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1915 - 1998) - người con ưu tú của mảnh đất Hưng Yên địa linh nhân kiệt.
img-5560-1738503062.jpeg Quang cảnh khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Một vùng quê mang tên người lãnh đạo kiệt xuất

Khi còn là xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, nơi đây đã khắc sâu trong ký ức của bao thế hệ về một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (giai đoạn 1986 - 1991).

Nay, vùng đất này cùng với xã Nghĩa Hiệp đã sáp nhập thành xã Nguyễn Văn Linh, đây là sự tinh gọn bộ máy chính quyền cơ sở và cũng là sự tôn vinh và nhắc nhớ về công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với đất nước.

Đi dọc con đường xóm Cả, ven khu tưởng niệm, tôi cảm nhận được nhịp sống yên bình vào những ngày đầu năm của vùng quê đang từng ngày đổi mới. Những mái nhà ngói đỏ cao tầng, lác đác điểm xuyết vài hàng cau già nghiêng mình trong gió.

img-5649-1738503310.jpeg Phóng viên ghi hình trước nhà tưởng niệm

Khu lưu niệm - Nơi thời gian lắng đọng

Khu lưu niệm có hai cổng vào. Cổng lớn nằm bên gốc đa cổ thụ, ngay cạnh Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình, tạo nên một không gian trầm mặc, thâm nghiêm. Cổng nhỏ lại mang vẻ đẹp thơ mộng với cây cầu đá cong cong bắc qua mặt ao trong veo, nơi những đàn cá vàng bốn mùa bơi lội tung tăng… Dừng lại ngắm nghía, chỉ vài giây thôi cũng đủ thấy yên bình.

img-5563-1738503387.jpeg

Bước qua cổng khu lưu niệm, tôi chậm rãi quan sát từng góc nhỏ của khuôn viên rộng gần 4.700m² này. Giữa không gian thanh tịnh, hồ nước trong xanh in bóng hàng cây dừa già. Góc nhỏ này hiện lên như một bức tranh tĩnh lặng, lắng đọng, mang hơi thở của hồn quê Nam bộ - nơi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã dành hơn nửa cuộc đời hoạt động cách mạng.

img-5561-1738503422.jpeg Bức tượng thờ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh được đúc bằng đồng, với gương mặt vừa uy nghiêm vừa đôn hậu

Giữa Nhà lưu niệm và Nhà tưởng niệm, là 3 gốc ngọc lan xanh mướt vươn cao, tỏa bóng mát quanh năm, được vun trồng bởi ba đồng chí: Đỗ Mười - nguyên Tổng Bí thư, Trương Tấn Sang - nguyên Chủ tịch nước, và Trần Quốc Vượng - nguyên Thường trực Ban Bí thư. Mỗi tán lá, mỗi cánh hoa dường như vẫn lưu giữ dấu ấn của những bàn tay đã đặt xuống đây tấm lòng tri ân và niềm kính trọng.

img-5564-1738503548.jpeg Ngọc lan xanh mướt quanh năm toả bóng

Gian trưng bày lưu niệm sắp xếp ngăn nắp từng kỷ vật gắn liền với cuộc đời cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Những bức ảnh tư liệu ghi lại chặng đường hoạt động gian khổ của ông, từ những năm tháng bị giam cầm, đến khi đảm nhận trọng trách chèo lái đất nước trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, chuyên mục “Những việc cần làm ngay” với bút danh N.V.L trên Báo Nhân dân vẫn còn đó, như một dấu ấn mạnh mẽ của tinh thần dám nghĩ, dám làm, không khoan nhượng với tiêu cực.

img-5569-1738503620.jpeg Nhà trưng bày lưu niệm

Trên ban thờ, pho tượng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh bằng đồng toát lên vẻ đôn hậu, giản dị mà cương nghị. Trong từng nét chạm khắc, tôi cảm thấy, dường như ánh mắt ông vẫn dõi theo vận mệnh dân tộc, vẫn trăn trở về những đổi thay của đất nước.

Bài học từ quá khứ và câu chuyện của hiện tại

Lịch sử có những điểm trùng hợp thật thú vị. Ngày ấy, Hưng Yên tự hào có một Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khởi xướng công cuộc đổi mới. Hôm nay, vùng đất này lại có một người con ưu tú khác đang giữ trọng trách Tổng Bí thư của Đảng – đồng chí Tô Lâm.

Điều này không chỉ là niềm vinh dự, mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm. Một vùng quê giàu truyền thống cách mạng và hiếu học, luôn sinh ra những bậc lãnh đạo kiệt xuất qua từng thời kỳ. Chính điều này, thế hệ trẻ càng phải biết trân trọng lịch sử hơn nữa, để tiếp bước cha ông.

img-5572-1738503737.jpeg Nhiều kỷ vật của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh được trưng bày trang trọng
img-5573-1738503819.jpeg

img-5574-1738503819.jpeg

Rời Khu lưu niệm khi mặt trời đã chếch bóng, tôi ngoái nhìn lại khoảng sân rộng điểm vàng những vệt nắng xuân, nơi bụi tre ngà vẫn đứng lặng lẽ như chứng nhân của thời gian.

Những ký ức về một thời kỳ đổi mới không chỉ nằm trong sách vở hay trong khuôn viên tưởng niệm, mà còn cần được tiếp nối trong tư duy, hành động của thế hệ hôm nay.

Hưng Yên từng có một người con làm thay đổi lịch sử. Và ngày nay, Hưng Yên lại có một người đang chèo lái con thuyền đất nước. Nhưng quan trọng hơn cả, chính chúng ta - những con người bình thường - cũng phải làm những điều xứng đáng với mảnh đất, miền quê sinh ra chúng ta.