
Từng câu văn, từng điệu hát cất lên không chỉ là lời nguyện cầu mà còn chuyên chở tinh thần văn hoá dân tộc. Tiếng hát ấy như vọng về từ ngàn xưa, kết nối quá khứ với hiện tại, đất trời với lòng người, góp phần gìn giữ hồn cốt dân tộc trong dòng chảy lễ hội truyền thống.
Chầu văn - một loại hình nghệ thuật gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu - vốn hiện diện nhiều trong không gian đền, phủ. Thế nhưng, trong đời sống hiện đại, bộ môn này đã len lỏi vào từng hơi thở của người dân Thủ đô. Không chỉ vang lên ở những không gian thiêng, chầu văn còn xuất hiện trong các chương trình nghệ thuật dân gian, sân khấu đương đại và cả đời sống tinh thần của những người yêu văn hóa truyền thống.
Ở Hà Nội, không khó để bắt gặp những buổi trình diễn chầu văn trong các sự kiện văn hóa, nơi các nghệ sĩ trẻ nỗ lực giữ gìn và làm mới bộ môn này để phù hợp với nhịp sống hiện đại.

Dâng văn trong tín ngưỡng thờ Mẫu không đơn thuần là nghệ thuật hát chầu văn, mà còn là sự kết tinh của lòng thành kính, sự trân trọng đối với tiền nhân, đồng thời thể hiện sức sống bền bỉ của văn hoá dân gian. Tại lễ hội đình Mai Dịch, tiết mục này còn mang một ý nghĩa sâu sắc hơn khi trở thành cầu nối giữa Di sản văn hoá phi vật thể với cộng đồng, giúp người dân hiểu rõ hơn giá trị của những di sản mà họ đang thừa hưởng.
Chia sẻ tại lễ hội, nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Quân - Phó Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Đạo Mẫu Việt Nam, thủ nhang Đông Cuông Vọng Từ, nhấn mạnh: “Với vai trò là nghệ nhân, tôi luôn ý thức rõ ràng về việc gìn giữ và phát huy giá trị của di sản văn hoá phi vật thể theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ VHTTDL, không thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên sân khấu và những nơi không thờ Mẫu. Tiết mục dâng văn không chỉ tôn vinh nghệ thuật truyền thống mà còn phải đảm bảo các yếu tố phù hợp với không gian lễ hội, thuần phong mỹ tục và quy định của Nhà nước. Điều này không chỉ giúp bảo vệ di sản mà còn góp phần đưa văn hoá dân gian đến gần hơn với công chúng một cách đúng đắn và bền vững”.

Ông Phạm Văn Lợi - Chủ tịch UBND phường Mai Dịch - đánh giá cao sự đóng góp của các nghệ nhân trong chương trình văn nghệ của lễ hội: “Tiết mục dâng văn là một điểm nhấn đầy ý nghĩa, góp phần làm nổi bật bản sắc văn hoá dân tộc và tinh thần tri ân cội nguồn. Đây không chỉ là hoạt động nghệ thuật mà còn thể hiện sự kết nối giữa di sản và đời sống đương đại, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về giá trị của truyền thống”.

Tại sân đình, dưới ánh đèn và pháo hoa rực rỡ của đêm hội, đông đảo người dân và du khách lặng mình theo dõi từng lời văn, từng giai điệu vang lên. Không ai bảo ai, mọi người đều lắng nghe với sự chăm chú, thành kính, như thể những thanh âm ấy đang đưa họ ngược dòng thời gian, trở về với cội nguồn văn hoá dân tộc. Một cụ bà trong làng xúc động chia sẻ: “Lâu lắm rồi mới được nghe lại những câu hát văn vừa thành kính, vừa vui tươi trong không gian linh thiêng như thế này. Đó không chỉ là nghệ thuật, mà còn là hồn cốt quê hương”.

Lễ hội đình Mai Dịch không chỉ là một sự kiện truyền thống mà còn là nơi hội tụ của những giá trị văn hoá bền vững. Trong tiếng văn vang vọng giữa không gian đình làng, người ta không chỉ nghe thấy âm hưởng của một nghi lễ mà còn cảm nhận được nhịp đập của văn hoá dân tộc, lan tỏa từ quá khứ đến tương lai.